Bảo tồn tinh hoa nghề thêu Đông Cứu

ThienNhien.Net – Cùng với Quất Động, Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) là một làng thêu nổi tiếng của Hà Nội. Tương truyền, Tiến sỹ Lê Công Hành (1606-1661) sau khi học được nghề thêu trong một lần đi sứ phương Bắc, ông đã về dạy dân nghề thêu. Ngoài dạy cho quê hương mình là làng Quất Động, ông còn dạy cho những làng lân cận. Đông Cứu có nghề thêu ngót 400 năm nay. Tưởng nhớ công ơn Tiến sỹ Lê Công Hành, dân làng Đông Cứu tôn ông làm thành hoàng làng.


Những năm gần đây, cùng với chủ trương tự do tín ngưỡng, nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được khôi phục, đây chính là điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển. Nếu như hướng đi của làng thêu Quất Động là tranh thêu và các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu thì người Đông Cứu tập trung phát triển các mặt hàng phục vụ di tích, lễ hội và làm trang phục cho các đoàn văn công. Các loại tán, lọng, y môn, áo mão… từ Đông Cứu tỏa đi nhiều nẻo đường trên khắp đất nước phục vụ cho hoạt động của các di tích, lễ hội. Hiện giờ, cả làng có khoảng 100 ông chủ lớn nhỏ, trên 90% số hộ gia đình có người làm nghề thêu ren. Nghề thêu cổ truyền của Đông Cứu, đang bước vào thời kỳ khá thịnh đạt.

Đông Cứu nổi danh với thêu các loại đồ thêu truyền thống như: áo mão, tán lọng… Đặc biệt trong số này, có một người làng Đông Cứu, còn khôi phục trang phục dành cho cung đình – nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.

Năm nay ngoài 40 tuổi, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã nhiều lần giành các danh hiệu Nghệ nhân, danh hiệu Bàn tay vàng do các tổ chức trao tặng. Theo học nghề truyền thống của cha mẹ từ nhỏ, lớn lên, anh phát hiện những bộ trang phục dành cho các bậc vua chúa, các vương phi cung tần… xưa là những tuyệt kỹ của nghề thêu. Chính vì vậy, anh đã dành nhiều tâm huyết để khôi phục những kỹ thuật này.

“Cách đây hơn chục năm, khi nhận đơn đặt hàng khôi phục một số trang phục cung đình của triều Nguyễn, tôi nhận ra rằng, nhiều tinh hoa của nghề thêu gần như đã thất truyền. Nghĩ lại thấy xưa có nhiều thợ giỏi của làng được triều đình triệu vào xưởng chế tác cung đình, trong dòng họ tôi cũng từng có những thợ giỏi như thế, tôi thấy mình có trách nhiệm khôi phục lại những kỹ thuật thêu này”, anh Vũ Giỏi cho biết.

Để có được thành công, ngoài tham khảo mẫu sẵn có, anh Vũ Văn Giỏi còn đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nghệ nhân tiền bối, tìm hiểu phong cách nghệ thuật qua các thời kỳ… Kết quả là anh đã phục chế thành công nhiều trang phục cung đình của thời nhà Nguyễn, được các chuyên gia đánh gia cao. Điển hình trong số này phải kể đến chiếc áo long bào của Vua Đồng Khánh. Anh và nhóm thợ thêu đã thêu ròng rã 15 tháng trời mới hoàn thành. Chiếc áo dùng chất liệu sa truyền thống, tiêu tốn 14 mét vải, hơn 200 màu chỉ khác nhau và tổng trọng lượng lên tới 7 kg.

Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Ngoài những lối thêu khó, việc thêu các trang phục này còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Với áo dành cho vua, dù có một ngàn mũi chỉ hay chục ngàn mũi chỉ thì tất cả các mũi chỉ phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài… Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định (trong khi ngày ngay, người thêu tự do liên tục đổi hướng). Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của vua, bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên áo long bào, lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt.
Mặc dù rất tốn công và cầu kỳ như vậy, nhưng không ai mua những chiếc áo cung đình để làm gì, bởi thế, anh Giỏi vẫn phải làm hàng “chợ” để nuôi ước mơ khôi phục ngày càng nhiều loại áo cung đình – cũng là khôi phục nhiều lối thêu cổ. Nhờ có bàn tay người thợ này, nghề thêu Đông Cứu, không chỉ phát triển về bề rộng, mà những thứ tinh tuý nhất, cũng đang được khôi phục.