WB khởi xướng phân tích dấu chân các-bon

ThienNhien.Net – Trước áp lực mạnh mẽ của cộng đồng môi trường quốc tế và các nhà làm luật Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tính đến việc phân tích dấu chân các-bon cho các dự án đầu tư của mình.

Quyết định dưới sức ép môi trường

Hợp tác với các ngân hàng phát triển đa ngành hàng đầu thế giới, WB đang tìm kiếm một phương thức chung nhằm ước tính lượng khí thải nhà kính từ các dự án. Các nhà phân tích cho biết, nỗ lực này được mong đợi sẽ minh bạch hóa các danh mục vốn đầu tư phát triển, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư ở các nước đang phát triển thực hiện phương châm giảm thiểu lượng khí thải các-bon.

Warren Evans, giám đốc Ban Môi trường của WB cho biết, WB chưa quyết định mức độ ảnh hưởng của các phân tích khí nhà kính đối với danh mục đầu tư. Dấu chân các-bon có được kiểm soát trong khuôn khổ chi phí đầu tư hay không – kể cả được xem như “giá vô hình” của dự án – còn phụ thuộc vào kết quả của Hội nghị về Biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra vào tháng 12 tới tại Copenhagen, Đan Mạch.

Quyết định phân tích mức độ khí thải nhà kính đối với các dự án đầu tư được đưa ra sau nhiều thập kỉ chịu áp lực từ các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Bảo vệ Môi trường và Trung tâm Thông tin Ngân hàng (BIC – một tổ chức NGO quốc tế chuyên phối hợp với các tổ chức xã hội tại các nước đang phát triển để thúc đẩy công bằng xã hội và bền vững sinh thái thông qua tác động đến các định chế tài chính quốc tế), nhằm đẩy mạnh đầu tư cho năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Quyết định này cũng được đưa ra đúng thời điểm mà nhiều tập đoàn lớn và các định chế tài chính trên thế giới, thường là dưới sự khuyến khích của chính phủ, đang bắt đầu kiểm soát lượng khí thải.

Nhiều ngân hàng phát triển khác cũng đang cân nhắc việc phân tích dấu chân các-bon. Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) đã bắt đầu đánh giá lượng khí thải trực tiếp từ một số dự án của họ.

Thượng Nghị sĩ Mỹ John Kery, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại đã đề nghị Bộ Tài chính Mỹ khuyến khích các ngân hàng phát triển đưa khí nhà kính vào tính toán trong bản phân tích chi phí lợi ích của họ. Và việc định ra “giá vô hình” cho các dự án phát triển cũng thu hút sự quan tâm của một số nhà kinh tế thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

“Dấu chân voi” các-bon

Đầu tư của các ngân hàng phát triển cho các dự án phát thải các-bon cao – đặc biệt là cho các nhà máy nhiệt điện – đã khiến các tổ chức môi trường bất bình. Theo Bruce Rich, nguyên cố vấn Quỹ Bảo vệ Môi trường, năm nhà đầu tư tài chính quốc tế lớn nhất thế giới cho nhiệt điện kể từ năm 1994 đã đầu tư hơn 23,3 tỉ USD cho 96 dự án ở các nước đang phát triển. Ba trong tốp năm nhà đầu tư này là WB, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB).

Mặc dù các WB có tiến triển trong việc tạo ra hệ thống tính toán các-bon nhưng Heilke Mainhardt-Gibbs, cố vấn của BIC vẫn nghi ngờ việc cải thiện công khai thông tin của tổ chức này: “WB cần sẵn sàng hơn trong việc công khai các dự án phát triển. Đến nay họ vẫn chưa có bất kỳ cam kết nào liên quan tới cách thức cắt giảm khí nhà kính.” – Mainhardt cho biết. 

Tập đoàn Tài chính Thế giới (IFC) và các chi nhánh của WB đã bắt đầu phát triển hệ thống tính toán khí thải vào năm 1997, nay bắt đầu tính toán lượng các-bon cho các dự án thí điểm trong năm 2009, cho kết quả phát thải ước tính khoảng hơn 100 000 tấn.

Shilpa Patel, trưởng Ban Biến đổi khí hậu của IFC cho biết hệ thống phân tích khí thải của tập đoàn lúc đầu đã bị phản đối nhưng hiện lại được đặc biệt chú trọng. Trong những năm gần đây, IFC đã tăng cường hỗ trợ mạnh cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Khoảng 2/3 đầu tư cho năng lượng của IFC hiện nay là dành cho năng lượng tái tạo.

Sự phản đối của các nước đang phát triển

Một số quan chức của các nước đang phát triển không mấy đồng tình với phân tích dự án của WB về khí nhà kính. Họ xem các đánh giá tương tự là bất công trong bối cảnh nhiều nước công nghiệp hóa, đặc biệt là Mỹ, chưa áp dụng biện pháp giảm thiểu khí thải đối với nền kinh tế của mình. “Chúng tôi không có nghĩa vụ chi trả cho khí nhà kính. Chúng tôi không muốn chi trả và cũng không muốn chứng kiến WB sử dụng nguồn vốn của chúng tôi cho việc này.” – đó là lời phản đối của một vị lãnh đạo đại diện đến từ các nước đang phát triển.

Các quan chức của WB cũng quan ngại rằng một số dự án có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi hệ thống tính toán khí thải nhà kính, đặc biệt đối với ngành giao thông vận tải. Chẳng hạn, dự án đường cao tốc sẽ không thể không phát thải khí từ việc dọn sạch mặt bằng và tạo điều kiện lưu thông cho nhiều phương tiện hơn. 

“Việc tính toán “giá vô hình” sẽ khiến các tổ chức phát triển cân nhắc các phương án thải lượng các-bon thấp hơn thay thế, như đường tàu cao tốc chẳng hạn. Điều này có thể khiến chi phí tăng và các nhà tài trợ sẽ phải cân nhắc kỹ càng. Song các nước đang phát triển không nhất thiết phải lo lắng vì sẽ có nguồn tài trợ lớn cho việc cắt giảm khí thải các-bon”, David Wheeler thuộc Trung tâm Phát triển Toàn Cầu, người đã vận động hành lang WB tính toán dấu chân sinh thái carbon, nhận định.