Nguy cơ từ chất phóng xạ trong kim loại

ThienNhien.Net – Hàng ngày vẫn có hàng nghìn sản phẩm và nguyên liệu chứa kim loại nhiễm xạ trôi nổi trên thị trường Mỹ và khắp thế giới. Những đồ dùng gia dụng, các hàng rào thép gai, nút bấm thang máy, các bộ phận của máy bay và thép xây dựng… đều từng bị phát hiện có chứa chất phóng xạ, và nguy hiểm hơn, một số chỉ được phát hiện sau khi đã lưu thông hàng thập kỷ.


Hãng tin Scripps Howard (Mỹ) đã có cuộc điều tra về vấn đề này và kết luận rằng số lượng sản phẩm nhiễm phóng xạ lưu thông trên nước Mỹ hiện chưa xác định được vì báo cáo của các ngành về mức độ ô nhiễm còn thiếu tính tổng thể và khách quan, lại chưa bài bản.

Nhưng hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng, hàng triệu pound (1pound tương đương 0,453 kg) kim loại đang được sản xuất và các phụ phẩm của nó đã bị phát hiện nhiễm một lượng nhỏ chất phóng xạ và theo đánh giá của các chuyên gia, lượng chất phóng xạ trong các sản phẩm này có thể còn cao hơn nhiều và có thể lên tới hệ số 10.

Kẽ hở trong kiểm soát của chính phủ

Nhưng mức độ nguy hiểm của vấn đề này vẫn chưa được biết đến bởi chính phủ Mỹ và chính quyền các bang không có quy định buộc các bãi phế liệu, các nhà máy tái chế và các ngành kinh doanh khác kiểm tra để phát hiện phóng xạ trong vật liệu, sản phẩm và trình báo khi phát hiện chất phóng xạ. Thêm vào đó, không cơ quan liên bang nào nhận nhiệm vụ kiểm soát việc này.

Đây là một thảm hoạ tiềm ẩn đối với sức khỏe và sự an toàn của con người trong tương lai. Song ở thời điểm hiện tại, mặc dù nguy cơ đó đã được nhận dạng, chính quyền và các cơ quan liên bang chưa chịu trách nhiệm về việc này.

Hiện ở Mỹ, chưa có cơ quan liên bang nào nhận trách nhiệm thống kê lượng nguyên liệu nhiễm xạ đã được dùng để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và các sản phẩm khác. Cũng không ai có trách nhiệm báo cáo, theo dõi, hay phân tích vấn đề một khi nó xảy ra.

Báo cáo điều tra của hãng tin Scripps cho thấy các nhà sản xuất và phân phối từ Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Xô cũ và một số quốc gia châu Phi đang xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu nhiễm xạ vào Mỹ, bởi một thực tế là nước Mỹ không có luật nào hạn chế mức độ phóng xạ trong nguyên liệu thô và sản phẩm cuối cùng. Bản thân các cơ quan chức năng Mỹ thừa nhận họ không thể kiểm soát kỹ lưỡng từng kiện hàng trong 24 triệu kiện hàng container được nhập vào Mỹ mỗi năm.

Việc bán những sản phẩm nhiễm xạ cho các nhà sản xuất hoặc chôn vùi để phi tang sẽ rẻ và đơn giản hơn rất nhiều so với việc phải chi trả một khoản phí cố định để xử lý chúng, công việc có thể sẽ tiêu tốn đến 50 triệu USD. Trong khi đó, kể cả khi các công ty ở 36 bang của Mỹ muốn thực hiện đúng yêu cầu này thì họ cũng không thể tìm được nơi chôn những chất thải phóng xạ hợp pháp sau khi một địa điểm ở miền Nam Carolina, công ty duy nhất ở Mỹ có thể đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải bị đóng cửa.

Vật liệu phóng xạ trôi nổi và những mối nguy tiềm ẩn
 
Một chương trình của chính phủ Mỹ có mục tiêu thu lượm các vật phẩm nhiễm xạ nặng nhất, trong 2 năm đã thu hồi được 9000 vật phẩm và chương trình này đang cố gắng để thu hồi thêm 2000 vật phẩm mới được phát hiện thêm trong thời gian 1 năm.

Các chuyên gia cho biết, không nên quá lo lắng tới mức bỏ đi tất cả vật dụng kim loại trong nhà vì sợ nhiễm phóng xạ. Tuy có một số vật dụng chứa chất độc hại nhưng hầu hết chỉ là lượng nhiễm xạ rất nhỏ, không đủ gây nguy hiểm.

Trên thực tế, hàng ngày mọi người đều phải tiếp xúc với phóng xạ trong tự nhiên như đất sét làm đồ gốm có phóng xạ ở mức thấp, đá Granite sử dụng trong nhà bếp thường chứa một lượng khá lớn uranium phóng xạ tự nhiên nhưng không đủ gây nguy hiểm. Một lượng nhỏ phóng xạ còn được phát hiện trong các máy báo động khói và các thiết bị y tế.

Một mối đe doạ tiềm ẩn khác xuất phát từ quá trình tiếp xúc trong thời gian dài với chất phóng xạ và các chất độc khác. Song mức độ nguy hiểm vẫn chưa xác định được chính xác đối với phóng xạ ở mức độ thấp, chẳng hạn như phóng xạ có trong các vật dụng và nguyên liệu thường gặp.

Một giả thuyết khoa học trong những năm gần đây không còn được chấp nhận, cho rằng mức độ phóng xạ thấp đồng nghĩa với mức độ nguy hại thấp. Bởi nó đi ngược với giả thuyết khẳng định rằng phóng xạ ở bất kỳ mức độ nào, đặc biệt là những phóng xạ có thời gian tích lũy, đều gây nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính phủ Mỹ vẫn lảng tránh trả lời câu hỏi: Lượng phóng xạ như thế nào được gọi là quá nhiều?

Theo báo cáo của Hội thảo Viện hàn lâm khoa học năm 2006, có mối liên hệ trực tiếp giữa phóng xạ và nguy cơ gia tăng mắc ung thư. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, tiếp xúc với phóng xạ trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể và dị tật thai nhi.

Không có báo cáo nào về người chết hoặc bị thương ở Mỹ sau khi tiếp xúc với vật dụng kim loại hoặc nguyên liệu nhiễm xạ, nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khẳng định, kim loại nhiễm xạ mạng lại những nguy cơ đặc thù. “Những mảnh nhỏ kim loại nhiễm xạ đe dọa cả sức khỏe con người và môi trường” – đó là một lời cảnh báo được đăng trên Website của EPA.

Theo dấu các sản phẩm nhiễm xạ

Cuộc điều tra của Hãng tin Scrípp sử dụng Đạo luật Tự do Thông tin của liên bang để tìm hiểu cơ sở dữ liệu của Ủy ban Quản lý hạt nhân Hoa Kỳ (NRC) vốn chưa được khai thác trước đó. Đó là báo cáo chính thức duy nhất về các vật chứa phóng xạ trong các xưởng chứa phế liệu, bãi rác và các sản phẩm sản xuất năm 1990. Nhưng vì những báo cáo như vậy là không bắt buộc và cũng không nhất quán, nên báo cáo NRC cũng không được coi là một phản ánh xác thực các khía cạnh của vấn đề này.

Một trong những thống kê gây tranh cãi nhất do Văn phòng Trách nhiệm giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO) đưa ra về số lượng vật dụng kim loại nhiễm xạ không được thống kê ở nước Mỹ năm 2005 là 500.000. Số lượng thực tế được cho là còn lớn hơn nhiều. Thống kê NRC gần đây nhất, được thực hiện cách đây 10 năm, cho thấy lượng chất thải nhiễm xạ là 20 triệu pound.

Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu các trường hợp nguyên liệu hạt nhân của NRC, có 18.740 trường hợp liên quan đến nguyên liệu nhiễm xạ trong các sản phẩm tiêu dùng, kim loại được sử dụng cho sản xuất và những nhiễm xạ vô tình xâm nhập vào cộng đồng, phần lớn từ năm 1990.

Rất nhiều trường hợp, các sản phẩm nhiễm xạ chỉ được phát hiện bởi các công ty đã đầu tư thiết bị phát hiện đắt tiền, và sự nhiễm xạ hầu hết xuất phát từ việc tình cờ nung chảy các nguồn nguyên liệu có chứa chất phóng xạ trong quá trình tái chế kim loại và sau đó bán ra thị trường.

Thông thường, khi một công ty đóng cửa hay một nhà máy chuyển địa điểm, máy dò khói công nghiệp, dụng cụ đo… và những nguyên liệu chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ bị bỏ lại. Vì chúng thường được bọc trong các vỏ bảo vệ, những thiết bị này hầu như không gây nguy hiểm khi nhà máy đang hoạt động. Nhưng một khi nhà máy đóng cửa, những thiết bị này thường được coi như phế liệu. Nếu những phần nhiễm xạ sau đó được nung nóng trong quá trình tái xử lý, phóng xạ có thể thoát ra và trộn lẫn vào trong sản phẩm tái chế cuối cùng.

Để đảm bảo an toàn, rất nhiều xưởng phế liệu đã đầu tư máy dò tìm phóng xạ, trị giá khoảng 50.000 USD mỗi chiếc. Nhưng dù có những cố gắng trong quá trình thu thập và tái chế phế liệu, vẫn tồn tại những phế liệu và sản phẩm tái chế nhiễm xạ.

Một lý do được đưa ra là do khả năng kiểm tra của thiết bị hạn chế đối với các kiện hàng có khối lượng lớn nên một số nguồn phóng xạ sẽ bị bỏ sót. Và ngay cả môi trường cũng có tác động không nhỏ đến vấn đề này, như trường hợp của Gerdau Ameristeel: trận bão năm 2001 đã làm rối loạn hoạt động của thiết bị dò phóng xạ ở Jacksonville, Fla., và trong quá trình tái chế, đã cho chất phóng xạ Cesium-137 đi qua, gây tiêu tốn 10 triệu USD để khắc phục.

Đôi khi các nguyên vật liệu nhiễm phóng xạ còn bị cố tình sang tay cho các đối tượng khác, nhằm tránh chi phí xử lý. Theo thống kê năm 2004 của Cơ quan kiểm toán Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường của GAO, những chi phí cho việc xử lý này tăng lên một cách chóng mặt trong vòng 3 thập kỷ qua từ 1USD  lên đến hơn 400USD cho mỗi 0,144 m3 thể tích.

Chất phóng xạ trong kim loại – mối lo toàn cầu

Các chuyên gia cho biết, tái chế chất phóng xạ là vấn đề lớn và đang phát triển từng ngày trên toàn cầu. Giữa năm 2006 và 2007, chính quyền ở Netherlands phát hiện ra khoảng 900 túi xách phụ nữ có xuất xứ từ Ấn Độ được trang trí bằng vòng nhẫn kim loại có chứa Cobalt-60 trên mỗi dây đeo. Khi được phát hiện, chúng được chuyển đến khu xử lý rác thải hạt nhân ở Netherlands.

Mùa thu năm trước, kim loại nhiễm xạ từ Ấn Độ cũng được công ty Connecticut sử dụng để làm 50 bộ nút bấm cho thang máy Otis ở Pháp và Thụy Điển. Theo người phát ngôn của công ty Otis, không ai phát hiện ra những chiếc nút bấm thang máy bị nhiễm xạ cho đến khi một lô hàng tương tự bị phát hiện có chứa chất phóng xạ ở biên giới Mỹ và Mexico. Otis đã thu hồi các bộ nút bấm nhiễm xạ từ các thang máy, song rất nhiều khả năng, số lượng các bộ nút bấm vẫn đang được sử dụng còn lớn hơn thế.

Điều khiến các chuyên gia quan ngại đặc biệt là sau khi Mỹ từ chối một loạt nguyên liệu nhiễm xạ thì liệu điều gì sẽ xảy tiếp theo khi chúng bị gửi trả lại các nhà sản xuất nước ngoài, bởi hiện chưa có hệ thống theo dõi nào: “Tại Trung Quốc và Ấn Độ, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi tin rằng nó sẽ lại được đem đi tiêu thụ ở nơi khác.” – Ông John Williamson, chủ tịch Cục Kiểm soát Phóng xạ bang Florida phát biểu.

Và thực tế, báo cáo NRC đã chứng minh nhận định của ông là đúng đắn. Nguyên liệu giúp gia cố trong xây dựng từ Mexico bị phát hiện có chứa Cobalt-60 tại biên giới năm 2006 đã được xác định là cùng đợt hàng với kim loại được sản xuất và xuất khẩu hơn 20 năm trước bởi 2 xưởng đúc của Juarez, Mexico.

Một số chuyên gia nhận định rằng, nước Mỹ sẽ phải hứng chịu chỉ trích vì sự thâm nhập của kim loại và các sản phẩm nhiễm xạ. Mặc dù vậy có rất ít tranh cãi xung quanh vấn đề cấm nhập khẩu kim loại nhiễm xạ, và thậm chí sau 2 thập kỷ đấu tranh với vấn đề này, quốc hội và các cơ quan liên bang cũng chưa đưa ra khuyến nghị nào về mức độ nhiễm xạ an toàn. Điều này đã tạo kẽ hở cho những nhà cung cấp kim loại nước ngoài và các nhà sản xuất.

Song bên cạnh đó cũng tồn tại ý kiến cho rằng cấm tất cả nguyên liệu nhiễm xạ trong kim loại có thể sẽ gây tổn thất to lớn cho ngành công nghiệp tái chế.