Thái Nguyên: Chủ tịch tỉnh chỉ đạo “nóng” vụ khu liên hợp Luyện kim Hà Thượng xây dựng không phép

Chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa được cấp phép xây dựng nhưng công ty Cổ phần hợp tư Khoáng sản Nhạc Long Kim Sơn đã tự ý san gạt, xây dựng hạ tầng, nhà xưởng gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc dự án Khu liên hợp luyện kim Hà Thượng do công ty Cổ phần hợp tư Khoáng sản Nhạc Long Kim Sơn làm chủ đầu tư tự ý đưa người và phương tiện san ủi, xây dựng trái phép trên diện tích hơn 8 hecta, trong đó có hơn 9.000 m2 đất nông nghiệp, ông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ sự việc.

Ông Trịnh Việt Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh làm rõ việc Công ty Nhạc Long Kim Sơn tự ý xâm phạm đất nông nghiệp, san gạt mặt bằng xây dựng nhà xưởng không phép tại xóm 2 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ.

Trước đó, như Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã thông tin, vào đầu năm 2022, UBND huyện Đại Từ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét đồng ý cho Công ty Cổ phần hợp tư khoáng sản Nhạc Long Kim Sơn (gọi tắt là Công ty Nhạc Long Kim Sơn) thuê đất tại khu vực xóm 2 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ để triển khai thực hiện dự án Khu liên hợp luyện kim Hà Thượng (đợt 1/2022). Theo ông Tạc Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng, đợt 1/2022, Công ty Nhạc Long Kim Sơn dự kiến được giao hơn 8 hecta, trong đó có hơn 9.000 m2 đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong lúc đang chờ các cơ quan hữu quan của tỉnh Thái Nguyên xem xét, tham mưu để UBND tỉnh phê duyệt đề nghị của UBND huyện Đại Từ thì Công ty Nhạc Long Kim Sơn đã tự ý đưa người và máy móc vào khu vực trên tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng trái phép.

Dự án Khu luyện kim Hà Thượng do Công ty Cổ phần hợp tư Khoáng sản Nhạc Long Kim Sơn làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 được triển khai trên diện tích hơn 8 hecta, trong đó có hơn 9.000 m2 đất nông nghiệp.

Liên quan đến Công ty Nhạc Long Kim Sơn trong quá trình triển khai dự án Khu liên hợp luyện kim Hà Thượng, UBND xã Hà Thượng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty Nhạc Long Kim Sơn dừng hoạt động san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép.

Cụ thể, UBND xã Hà Thượng ban hành Công văn số 106/UBND-ĐC ngày 13/5/2022 yêu cầu Công ty Nhạc Long Kim Sơn dừng các hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định. Trong văn bản này, UBND xã Hà Thượng yêu cầu Công ty Nhạc Long Kim Sơn thực hiện tốt các quy định về đất đai, xây dựng và môi trường, dừng các hoạt động xây dựng, sử dụng đất đúng vị trí được giao.

Đối với diện tích chưa được giao đất, cho thuê đất, UBND xã Hà Thượng đề nghị doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, hoàn thiện hồ sơ trước khi xây dựng.

Bất chấp yêu cầu dừng thi công từ phía chính quyền địa phương, Công ty Nhạc Long Kim Sơn vẫn ngang nhiên san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ngày 31/5, doanh nghiệp cho công nhân và máy móc tiếp tục thi công kè chống sạt lở khu đất. Không những vậy, doanh nghiệp còn ngang nhiên cắt đường, đào đất để lắp đặt cống thoát nước làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Dù chưa được giao đất, cấp phép xây dựng nhưng doanh nghiệp đã tự ý san gạt đất xây dựng trái phép hàng loạt công trình.

Trước hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp, ngày 5/6/2022, UBND xã Hà Thượng tiếp tục có văn bản số 128/UBND-ĐC yêu cầu Công ty Nhạc Long Kim Sơn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về xây dựng, đất đai.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Tạc Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng, khẳng định: “Ngay sau khi phát hiện doanh nghiệp tự ý san lấp, thi công nhà xưởng trên khu đất trên, xã đã tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được bất cứ một loại hồ sơ giấy tờ gì.

UBND xã đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng thi công, báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cụ thể là UBND huyện Đại Từ vào cuộc xử lý hành vi vi phạm của Công ty Nhạc Long Kim Sơn. Chừng nào doanh nghiệp hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý, giao nộp hồ sơ cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát theo luật thì mới được phép thi công trở lại”.

Trong quá trình xây dựng cống thoát nước, chủ đầu tư để nhà thầu ngang nhiên chặn đường, cắt phá đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.

Lý giải về hành vi cố tình thi công trái phép của doanh nghiệp trước đó, ông Lợi cho hay: “Sau khi UBND xã có văn bản đề nghị tạm dừng thi công doanh nghiệp đã chấp hành đầy đủ; tuy nhiên do lo ngại mưa lớn gây sạt lở nên doanh nghiệp mới cho người, máy móc làm kè chống sạt lở, lắp đặt cống nước”. Cũng theo ông Lợi, hiện doanh nghiệp chấp hành nghiêm đề nghị tạm dừng thi công.

Ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vào chiều ngày 9/6, cả một khu vực rộng lớn, trong đó có hơn 9.000 m2 đất nông nghiệp, đã được Công ty Nhạc Long Kim Sơn hoàn thành công tác san lấp. Trên khu vực này, hàng loạt công trình xây dựng dang dở hiện đang tạm dừng thi công, máy móc tập kết ngay ngắn bên trong công trường.

Sự việc khiến người dân địa phương băn khoăn, liệu các cơ quan chức trách xã Hà Thượng, huyện Đại Từ đã thực sự làm hết khả năng chưa, khi để hành vi sai phạm của Công ty Nhạc Long Kim Sơn diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng không có biện pháp xử lý triệt để?

Hành vi sai phạm của doanh nghiệp diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên chưa có các biện pháp quyết liệt xử lý.

Cũng liên quan đến sự việc trên, chiều 17/6, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Vũ Hồng Minh, Giám đốc Công ty cổ phần hợp tư khoáng sản Nhạc Long Kim Sơn, cho biết: “Trong quá trình thi công, bên mình có mở rộng một chút thi công mương thoát nước lấn vào đất do giao thông quản lý, không thuộc địa phận của công ty”.

Cũng theo ông Minh, sau khi UBND huyện Đại Từ có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị giao đất thì phía doanh nghiệp đã làm hồ sơ báo cáo gửi UBND huyện Đại Từ, UBND xã Thái Nguyên. Sau khi UBND xã có văn bản yêu cầu dừng thi công thì phía doanh nghiệp đã tiến hành dừng mọi hoạt động thi công.

Trao đổi thêm với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Minh cho biết, dự án do tỉnh Thái Nguyên cấp phép xây dựng, hiện đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ.

Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần liên hệ, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vẫn chưa nhận được hồ sơ liên quan đến dự án Khu liên hợp Luyện kim Hà Thượng từ người đứng đầu doanh nghiệp do đang nằm viện điều trị bệnh!.

Cũng liên quan đến sự việc, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với người đứng đầu các cơ quan chức năng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy Thái Nguyên để làm rõ sự việc, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến sự việc khi không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của doanh nghiệp.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Theo Luật Đất đai năm 2014, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình.

Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu diện tích đất trái phép dưới 0,5ha. Bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng nếu diện tích chuyển đổi trái phép từ 3ha trở lên.

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì bị phạt triền từ 1 – 2 triệu đồng nếu diện tích dưới 0,5ha; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha và phạt từ 5 – 10 triệu nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền vừa phải khôi phục lại hiện trạng b