Hệ thống chiếu sáng công cộng năng lượng mặt trời đầu tiên của ĐBSCL

ThienNhien.Net – Với mục tiêu trở thành một đô thị sinh thái, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới, trong đó phải kể đến việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời cho trục đường trung tâm thị trấn. Đây cũng là địa phương đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nguồn năng lượng sạch vô hạn này, về lâu dài góp phần giảm chi phí, giảm sử dụng tài nguyên hóa thạch và tác động ô nhiễm môi trường.


Ông Lê Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Năm 2008, sau khi tham dự Hội thảo phổ biến các công nghệ mới về năng lượng sạch do Hội Chiếu sáng Việt Nam (tại TP.Hồ Chí Minh) tổ chức, lãnh đạo huyện đã đề xuất thí điểm lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời tại trục đường trung tâm của huyện. Hệ thống này thay thế việc lắp đặt hệ thống điện công nghiệp (sử dụng nhiệt điện) như trước đây, vừa phù hợp với chủ trương quy hoạch, phát triển huyện Phong Điền thành khu đô thị sinh thái – “lá phổi xanh” của Cần Thơ trong tương lai, vừa đúng chủ trương thực hành tiết kiệm điện”.

“Đầu tư hệ thống điện công nghiệp thì chi phí ban đầu sẽ thấp hơn hệ thống năng lượng mặt trời. Nhưng với mức tiêu tốn điện năng khá lớn, về lâu dài sẽ gia tăng gánh nặng chi phí cho các địa phương” – ông Hậu khẳng định.

Ông Huỳnh Giang, Giám đốc công ty TNHH Vinatra – nhà cung cấp các thiết bị cho công trình – cho biết, mỗi trụ đèn chiếu sáng lắp 2 tấm pin quang điện có tuổi thọ trung bình khoảng 25 năm; 1 bộ thiết bị điều khiển có khả năng điều chỉnh dòng sạc từ tấm pin quang điện vào ắc quy, bảo vệ ngăn dòng điện vào khi ắc quy đầy và không để ắc quy hết cạn, đồng thời điều chỉnh thời gian sáng của đèn; 2 bình ắc quy lưu trữ nguồn điện từ tấm pin quang điện và hai bóng đèn chiếu sáng siêu tiết kiệm thế hệ mới (loại 40W).

Hệ thống này hoạt động theo cơ chế: tấm pin mặt trời tạo ra điện nạp vào bình ắc quy; đèn sẽ hoạt động theo cơ chế cảm quang: tự động tắt – mở khi ánh sáng tự nhiên tăng – giảm. Đèn sẽ sáng trung bình từ 10-12g/ngày, tùy theo mùa trong năm.

Cũng theo ông Giang, ưu điểm của hệ thống này là độ an toàn rất cao (nguồn điện này không gây giật), không cần dây dẫn; phát ra năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Các thiết bị cũng dễ lắp đặt, dễ di chuyển; thân thiện với môi trường; chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp; tính mỹ thuật cao (đẹp hơn các loại đèn đường truyền thống)… Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống là chi phí đầu tư ban đầu khá cao so với hệ thống điện công nghiệp cũ từ 1,3 đến 1,7 lần.

Hiện tại, đã có 12 trụ đèn chiếu sáng công cộng năng lượng mặt trời lắp đặt tại trục đường trung tâm huyện Phong Điền, với cam kết bảo hành 5 năm của nhà đầu tư.

Cho đến nay, sau hơn một tháng đưa vào sử dụng, hệ thống mới này vẫn hoạt động ổn định, đồng thời nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân vì khả năng thân thiện với môi trường.

“Trong thời gian tới nếu thiết bị này tiếp tục khẳng định độ bền và hiệu quả cao thì huyện sẽ nghiên cứu, lắp đặt tại những nơi cộng cộng, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp sạch dự kiến trong tương lai…” – ông Hậu cho biết.

Với việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) là địa phương đầu tiên tại ĐBSCL đưa nguồn năng lượng sạch vô hạn vào chiếu sáng công cộng.