Điện mặt trời ở Trường Sa

ThienNhien.Net – Biển đảo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Nước ta có 2 quần đảo lớn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, trong đó quần đảo Trường Sa là nơi ẩn chứa rất nhiều tiềm năng về năng lượng gió, mặt trời, thủy triều. Đây là điều kiện thuận lợi có thể khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng này để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của chính người dân và chiến sỹ trên đảo.


Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái tạo đầy tiềm năng này lại chưa được chú trọng đầu tư trong khi nguồn điện sử dụng trên đảo còn nhiều thiếu thốn, chủ yếu là từ các máy phát điện tại chỗ. Việc sử dụng năng lượng từ máy phát điện không những tiêu tốn một lượng lớn dầu DO mà còn gây ô nhiễm môi trường, không chủ động, linh hoạt và gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt của quân dân trên đảo, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng nhất là trong điều kiện thời tiết thường xuyên mưa bão, việc vận chuyển nhiên liệu gặp nhiều rủi ro và chi phí cao.

Trước thực tế đó, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM – Sở KH&CN TP.HCM (cơ quan chủ trì dự án) đã phối hợp với Phòng phát triển Công nghệ điện mặt trời (SOLARLAB) – Viện vật lý TP.HCM, Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa và Công ty TNHH SELCO – Việt Nam thực hiện Dự án thử nghiệm “Ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa”. Dự án được thực hiện trong thời gian 24 tháng với tổng kinh phí đầu tư 5,8 tỷ đồng.

Việc áp dụng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để phát điện tại Trường Sa được đánh giá là rất khả thi vì vừa tận dụng được nguồn tài nguyên (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…) dồi dào tại đảo vừa có nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt của quân, dân trên đảo.

Theo kết quả dự án, hệ thống điện mặt trời và điện gió được xây dựng đã cung cấp gần 100% nhu cầu điện cho hoạt động an ninh quốc phòng và sinh hoạt của đảo. Ngoài ra dự án cũng trang bị 100 đèn năng lượng mặt trời xách tay cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sau hơn 08 tháng đi vào hoạt động chính thức và hơn một năm chạy thử nghiệm hệ thống hoạt động tốt.

Dự án “Ứng dụng năng lượng mặt trời và gió cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa” đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt của dân cư và chiến sĩ bộ đội trên đảo Trường Sa Lớn. Việc huấn luyện chuyển giao công nghệ được tiến hành cụ thể, anh em bộ đội hoàn toàn có thể vận hành và bảo trì bảo dưỡng các thiết bị một cách thuần thục.


Ảnh: ECC-HCM

Bên cạnh đó, một số hoạt động liên quan đến việc thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng mặt trời tại Trường Sa cũng cũng đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân. Cụ thể là chương trình: “Chung tay thắp sáng nhà dàn DK1” do báo Tuổi Trẻ phát động, theo đó chương trình sẽ quyên góp nguồn kinh phí từ bạn đọc để triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên bốn nhà giàn DK1 thuộc bãi Phúc Tần, khai thác nguồn năng lượng mặt trời sẵn có tại đảo nhằm hỗ trợ việc sinh hoạt và công tác của chiến sĩ hải quân trên các nhà giàn DK1.

Việc lắp đặt hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió cho dù chưa phải là một giải pháp tổng thể về năng lượng cho Trường Sa, song nghĩa cử này của TPHCM sẽ hỗ trợ Trường Sa giải quyết một phần nhu cầu cấp bách về năng lượng. Với kết quả này, chúng ta có quyền hy vọng trong một tương lai gần, Trường Sa sẽ đủ điều kiện với một công nghệ tổ hợp điện hoàn chỉnh từ các nguồn năng lượng mới đầy tiềm năng sẵn có tại chỗ – năng lượng mặt trời, sóng biển, thủy triều và gió. Đồng thời cũng mở ra hướng mới cho sự phát triển của nguồn năng lượng mới trong tương lai của Việt Nam.