Nhiên liệu sinh học có hại cho sức khỏe hơn xăng dầu

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu được công bố tại Mỹ, xăng ethanol chiết xuất từ ngô rất có hại cho môi trường và sức khoẻ con người. Kết luận một số nhiên liệu sinh học có thể gây bệnh ở người nhiều hơn xăng và dầu diesel được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu chi phí y tế liên quan đến các loại nhiên liệu khác nhau.

Nghiên cứu cho thấy ethanol sinh học làm từ ngô hiện đang sản xuất phổ biến tại Mỹ có mối liên hệ nhiều hơn đến các vấn đề về môi trường và sức khoẻ con người so với các nhiên liệu truyền thống. Tuy nhiên, người ta đặt nhiều hi vọng vào thế hệ nhiên liệu sinh học mới làm từ chất thải hữu cơ hay các loại cây trồng ở khu vực vành đai không trồng lương thực. Loại nhiên liệu này chỉ tốn một nửa chi phí cho môi trường cũng như y tế so với xăng dầu và 1/3 so với các nhiên liệu sinh học ngày nay.

Công trình này đã đóng góp thêm vào hàng loạt các nghiên cứu về ảnh hưởng của nhiên liệu sinh học làm từ ngô được thực hiện từ trước đến nay. Một vài nghiên cứu năm vừa qua cho thấy ngô được trồng ngày càng nhiều phục vụ cho mục đích sản xuất ethanol sinh học, khiến giá lương thực tăng. Các nhà môi trường học đã cảnh báo một số vấn đề khác như tình trạng chặt phá rừng lấy đất trồng cây nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học.

Bằng việc sử dụng mô hình máy tính theo thiết kế của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã tính toán được tổng chi phí cho môi trường và y tế của xăng dầu là khoảng 71 cent/gallon, trong khi với một lượng tương tự nhiên liệu sinh học ethanol từ ngũ cốc thì chi phí này là 72 cent đến 1,45 USD, phụ thuộc vào cách thức sản xuất.

Thế hệ nhiên liệu mới còn được gọi là nhiên liệu ethanol sinh học cenllulose chỉ tốn từ 19 đến 32 cent, tuỳ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu sử dụng. Đây là những nhiên liệu thử nghiệm làm từ các cây thân gỗ, về cơ bản không làm ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp truyền thống.

Giáo sư David Tilman thuộc Đại học bang Minnesota, một trong những tác giả của nghiên cứu, phát biểu: “Những tranh luận từ trước tới nay về nhiên liệu sinh học chủ yếu chỉ tập trung vào khí thải nhà kính, còn rất nhiều tác động khác nữa cả tích cực và tiêu cực chưa được tính đến. Chúng tôi muốn mở rộng thống kê từ khí nhà kính sang một phạm vi khác nữa, và chúng tôi chọn những tác động tới sức khoẻ”.

Các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến nhiên liệu truyền thống đã được nghiên cứu cẩn thận, đặc biệt là khói bụi và các chất gây ô nhiễm khác khi đốt các nhiên liệu này. Với nhiên liệu sinh học thì các vấn đề sức khoẻ gây ra bởi các chất thải ra trong quá trình trồng và sản xuất nhiên liệu. Ông Tilman cho biết: “Ngũ cốc cần phân đạm trong đó có một số loại chứa ammonia thải vào không khí. Các phần tử ammonia này thu hút bụi và kết hợp với bụi tạo thành những phân tử cỡ 2,5 micrômét rất có hại cho sức khoẻ. Một số phân tử này được gió đưa đến các khu đông dân cư khiến cho tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, đồng thời làm tăng chi phí dành cho y tế”.

Trong những vấn đề về sức khoẻ liên quan đến nhiên liệu sinh học và xăng dầu có cả các bệnh về tim mạch, các triệu chứng về đường hô hấp, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và tử vong sớm. Nhóm nghiên cứu đã tính cả chi phí kinh tế để điều trị các bệnh này. “Đối với nền kinh tế, đấy còn là sự mất mát về nhân lực giỏi mà lẽ ra họ có thể đóng góp công sức nhiều hơn nếu không mắc bệnh,” theo ý kiến của nhà kinh tế học Jason Hill đến từ Viện môi trường của đại học Minnesota, đồng thời là một thành viên của nhóm.

Một nhà kinh tế học của Đại học Minnesota, giáo sư Stephen Polasky, đồng tác giả nghiên cứu phân tích: “Chi phí y tế và môi trường không được những người sản xuất, mua và bán xăng dầu hay ethanol thanh toán mà chính cộng đồng phải trả số tiền này”.

Một bản báo cáo do Ed Gallagher, chủ tịch Viện nhiên liệu tái chế Mỹ xuất bản năm ngoái cho rằng cần hoãn việc đưa công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học sang Anh cho tới khi Mỹ có cơ chế quản lí hiệu quả để tránh làm tăng phát thải khí thải nhà kính gây ra bởi nạn tàn phá rừng để lấy chỗ sản xuất nhiên liệu. Báo cáo của ông cho thấy nếu không kiểm tra kĩ lưỡng, mục tiêu hiện tại về sản xuất nhiên liệu sinh học đến năm 2020 sẽ làm tăng lượng khí thải nhà kính thải ra trên toàn thế giới và tăng tỉ lệ nghèo đói ở các nước nghèo nhất thế giới.

Gallagher cũng góp ý với chính phủ Mỹ về việc cần phải khuyến khích sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ mới trong nghiên cứu của các nhà khoa học bang Minnesota. Ethanol cenllulose có thể chế biến từ các loại cây như cỏ ba chẽ (switchgrass) hay cây dầu mè (jatropha). Các cây này có thể sống ở những cùng đất ít màu mỡ nhưng công nghệ chế biến chúng thành nhiên liệu thì mới chỉ đang ở giai đoạn đầu.

Ông Tilman nhấn mạnh rằng cần loại bỏ việc chuyển đất rừng thành đất trồng ngũ cốc sản xuất ethanol càng sớm càng tốt và thúc đẩy việc tìm kiếm một loại nhiên liệu sinh học phù hợp và bền vững: “Chúng ta đã tiến xa hơn cái việc chỉ nhìn vào lượng khí thải nhà kính và đã khám phá ra nhiều tác hại phổ biến đến mức đáng ngạc nhiên. Tôi cho rằng trước khi đầu tư tài nguyên sản xuất nhiên liệu sinh học mới, chúng ta cần nỗ lực đánh giá và thống kê các tác hại có thể xảy ra đối với xã hội như chất lượng nước, sự đa dạng sinh học v.v…”