Cần sớm cải tạo môi trường làng nghề ở Đồng Nai

ThienNhien.Net – Làng nghề vốn được xem là “một khu công nghiệp thu nhỏ”, nơi tập trung chủ yếu các nghề truyền thống với những hộ sản xuất thủ công, ít vốn. Giữ và phát triển kinh tế làng nghề cũng là giữ lại sản phẩm truyền thống, giữ được sự đa dạng thành phần của nền kinh tế, hạn chế tình trạng lao động nông thôn đổ về thành phố tìm việc. Song, cách sản xuất thủ công, lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu "gia đình", đã và đang làm cho môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm và là mối nguy cơ cho sự phát triển bền vững.


Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 157 hợp tác xã (HTX) và 12 làng nghề với hơn 20 ngành, nghề khác nhau. Các làng nghề thu hút khoảng 18.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp. Với sự mở cửa thông thoáng do cơ chế thị trường tạo ra, nhiều làng nghề đã tìm được hướng đi đúng đắn cho mình. Chính các HTX và các làng nghề đã giải quyết một phần của bài toán lao động nông thôn và tăng thêm thu nhập cho người dân, nhờ đó mức sống của người dân cũng được nâng lên.

Có thể kể đến một số sản phẩm nổi tiếng của các làng nghề như đá mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ, rượu bưởi…Nhờ vậy, thời gian qua những sản phẩm thủ công của các làng nghề đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề chỉ quan tâm đến một yếu tố duy nhất, đó là phát triển sản xuất kinh doanh để làm sao tạo được nhiều công ăn việc làm và làm ăn có lãi. Trong khi đó, các HTX và các làng nghề chưa quan tâm đến vấn đề môi trường; phần lớn rác thải, khí thải, nước thải… không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường gây hại trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đang là mối nguy cho sự phát triển bền vững, kéo theo tình trạng ô nhiễm ngày một tăng.

Hậu quả này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất mà chưa có biện pháp xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không chỉ gây tác hại trước mắt mà nó còn ngấm dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe va đời sống con người. Tình trạng ô nhiễm môi trường rõ nhất hiện nay là ở các HTX khai thác đá. Tình trạng khói, bụi, khí thải thoát ra từ các cơ sở khai thác đá hay tình trạng xe tải trở đá làm vương vãi ra đường đang làm nhiều tuyến đường trở nên ô nhiễm nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đặc biệt nghiêm trọng ở các hộ chăn nuôi và đang là bài toán đau đầu với các nhà quản lý môi trường.

Qua khảo sát thực tế, tại hầu hết các làng nghề đều ít nhiều gây ô nhiễm môi trường khi chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải từ quá trình sản xuất đều thải trực tiếp vào hệ thống cống thoát nước chung hay các ao hồ rồi sau đó đổ thẳng ra sông suối. Các chất thải rắn cũng chỉ được xử lý đơn giản rồi cho thu gom chôn lấp tạm thời. Cùng với đó là dầu mỡ, các chất thải hóa học không qua xử lý khiến mực nước ngầm đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong thời gian qua tốc độ tăng trưởng của các làng nghề tăng khá nhanh, (trung bình 8%/năm tính theo giá trị đầu ra), song nếu chỉ nhìn ở khía cạnh tăng trưởng, lợi ích mà không tính đến việc bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm thì chưa thể tính đến sự phát triển bền vững lâu dài của làng nghề. Trước tình trạng này thiết nghĩ các ngành chức năng cần khảo sát, có kế hoạch xử lý môi trường ở các làng nghề, đảm bảo các làng nghề đủ tiêu chẩn, điều kiện về cơ sở hạ tâng vật chất cũng như việc xử lý ô nhiễm môi trường đem lại nguồn thu nhập lâu dài, bền vững cho nhân dân.