Hà Nội quyết liệt bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác quản lý môi trường nói chung và công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan trong công tác bảo vệ môi trường nhưng đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, xen kẽ trong khu dân cư trên, không đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường dẫn tới việc kiếm soát ô nhiễm và thống kê lượng chất thải tại các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn.

Khu công nghiệp Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)
Khu công nghiệp Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Nỗ lực

Để bảo vệ môi trường, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 22/5/2012 về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp Thành phố Hà Nội đến năm 2015; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Đến nay 8/8 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đều đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải. UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định 7209/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng hệ thông xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 — 2015; Các quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô đang được xây dựng theo hướng nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia….

Trong công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT, Bà Đào Thị Anh Điệp – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, năm 2011, đã kiểm tra 236 cơ sở, phạt vi phạm hành chính là 39/236 cơ sở với tổng số tiền phạt là: 2.019.750.000 đồng; Năm 2012 đã thanh tra 137 cơ sở, phạt vi phạm hành chính 46/137 cơ sở với tổng số tiền là 1.583.300.000 đồng; Năm 2013 đã thanh tra 118 cơ sở, 44/118 cơ sở bị phạt hành chính với số tiền phạt 1.281.550.000 đồng. Hà Nội cũng đã có 25/25 cơ sở theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm trong đó 23/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế

Giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội dự kiến xây dựng mới và mở rộng 15 khu công nghiệp; phát triển các cụm công nghiệp ở ngoại thành, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường…

Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng tăng bình quân khoảng 13 – 13,7%/năm giai đoạn 2011 – 2015; khoảng 11,5 – 12,4%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Trong giai đoạn đến năm 2015, Hà Nội tiếp tục triển khai 09 khu công nghiệp. Giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội dự kiến xây dựng mới và mở rộng 15 khu công nghiệp; phát triển các cụm công nghiệp ở ngoại thành, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã hình thành.

Đặc biệt việc áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường được chi cục thực hiện theo nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường.

Bên cạnh đó, TP cũng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường. Khuyến khích áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường…