Sahara thành sân sau năng lượng của châu Âu

ThienNhien.Net – Ngày 13/07/2009 vừa qua, một nhóm gồm khoảng 20 tập đoàn lớn của Đức cùng một số công ty của Ý, Tây Ban Nha đã công bố một dự án năng lượng tái tạo có tên Sáng kiến Phát triển Công nghiệp vùng Sa mạc. Theo đó, một hệ thống cáp truyền tải điện tập trung từ hàng trăm nhà máy sản xuất điện từ nhiệt năng mặt mời và nhà máy điện gió ở khu vực Bắc Phi sẽ chạy xuyên biển Địa Trung Hải để đến với châu Âu.

Ý tưởng khai thác năng lượng ở vùng sa mạc Bắc Phi phục vụ tiêu dùng của châu Âu đã được đặt ra từ trước đây, nhưng mãi tới nay mới được đưa trở lại. Những người đứng đầu Sáng kiến hy vọng rằng trong tương lai, hệ thống của họ sẽ vận hành sau một thập kỷ tới và có thể cung cấp tới 15% nhu cầu điện năng cho toàn châu Âu.

Khác với các việc sản xuất điện từ các tấm pin mặt trời, dự án mới này sử dụng công nghệ quy tụ nhiệt năng mặt trời, dùng sức nóng mặt trời để tạo ra điện. Hàng trăm tấm gương hội tụ tia mặt trời về một thiết bị nhận. Từ đây, nhiệt được dùng để làm nóng nhiên liệu và tạo ra hơi nước làm quay tua-bin (công đoạn này cũng tương tự việc sản xuất điện truyền thống vẫn diễn ra lâu nay).

Ưu điểm của công nghệ quy tụ nhiệt năng mặt trời là chi phí thấp hơn, đồng thời không quá phụ thuộc vào thời tiết như công nghệ quang điện thông thường. Nhờ việc tích tụ và lưu giữ sức nóng, nó có thể hoạt động bất kỳ ngày hay đêm, trong điều kiện nắng ráo hay mây mù.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của loại hình công nghệ này là cần nhiều nước cho quá trình làm mát, trong khi nước ở sa mạc xưa nay vẫn luôn là nguồn tài nguyên khan hiếm. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu đang phải xem xét lại và tìm kiếm giải pháp thay thế.

Wulf Bernotat, Giám đốc điều hành của E.ON (một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu của Anh) so sánh dự án này cũng khó khăn và thách thức không kém việc đưa con người lên mặt trăng. Để thực hiện dự án, người ta sẽ phải tạo ra một mạng lưới truyền tải điện siêu lớn phủ khắp châu Âu, Trung Đông và vùng Bắc Phi.

Trung tâm Không gian vũ trụ của Đức ước tính chi phí để thực hiện dự án sẽ lên đến 395 tỉ €. Đây là một trong những dự án xanh tham vọng nhất từ trước đến nay.

Mặc dù gặp không ít sự phản đối, với ý kiến chỉ trích rằng dự án quá tốn kém, ng Sáng kiến này được giới truyền thông báo chí Đức hoan nghênh và được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu – những người lớn tiếng biện hộ rằng đây là một nguồn quan trọng giúp EU cắt giảm khí nhà kính.

Một số ý kiến cho rằng chỉ cần khai thác 3% diện tích bề mặt sa mạc Sahara để phát triển năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng được cầu năng lượng của thế giới.

Cũng có những chuyên gia  lo ngại về vấn đề tổn thâđiện năng, với khoảng cách truyền tải xa như vậy, sự tổn thất sẽ lớn. Song, các chuyên gia đại diện của dự án giải trình hoàn toàn họ có thể khắc phục được vấn đề này bằng việc truyền tải dòng điện một chiều hiệu suất cao. Phương pháp này đã được thử nghiệm áp dụng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều bị thuyết phục. SolarWorld, tập đoàn sản xuất năng lượng mặt trời của Đức đang đấu tranh chống lại dự án. “Việc xây dựng các nhà máy điện tích nhiệt năng mặt trời tại các quốc gia không ổn định cũng không khác gì việc sự phụ thuộc vào các quốc gia dầu mỏ,” – Frank Asbeck. Giám đốc SolarWorld, phát biểu.

Thời gian từ nay tới lúc đó còn dài, trong khi đó có quá nhiều điều không chắc chắn, như vấn đề tài chính, an ninh, chính trị, sự đồng thuận triển khai dự án…bên cạnh đó, vấn đề công nghệ cũng cần được lưu ý bởi  vẫn chập chững trong giai đoạn đầu, chưa có nhiều kết quả ghi nhận.