ThienNhien.Net – Trong hai ngày, 07-08/07/2009 tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Thảo luận chính sách môi trường trong bối cảnh phát triển ở Việt Nam” với sự tham gia của 30 đại diện từ các cơ quan báo chí ở phía Nam và Tây Nguyên. Tại đây, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm với nhà báo, phóng viên khu vực về vấn đề tiếp cận, phân tích và giám sát việc thực thi các chính sách môi trường.
Có thể nhận định rằng Việt Nam đến nay sở hữu một hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường (BVMT) và bảo tồn thiên nhiên (BTTN) khá đầy đủ. Mặc dù vậy, việc thi hành và tuân thủ luật pháp môi trường ở Việt Nam vẫn bị đánh giá là còn yếu và kém hiệu quả. Một trong những lý do cơ bản xuất phát từ sự thiếu vắng hoạt động giám sát nhất quán và đa diện của các bên liên quan.
Báo chí truyền thông là công cụ quan trọng tác động đến quá trình giám sát, thực thi và thúc đẩy luật pháp, tuy nhiên, trong luật pháp về môi trường sự quan tâm của báo chí còn hạn chế. Sự phản ánh của báo chí tập trung quá nhiều việc đưa tin các sự kiện, vụ việc cụ thể, mà có nhiều phân tích sâu và cảnh báo khi luật pháp môi trường không được thực hiện có hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng quá trình tiếp cận và phân tích chính sách môi trường nói riêng và các chính sách phát triển nói chung cần xuất phát từ các mục tiêu của chính sách. Căn cứ này sẽ giúp nhà báo có cơ sở để đánh giá và đối chiếu việc triển khai và thực thi chính sách trong cuộc sống và xem xét tính hiệu quả của các chính sách đó.
Bản thân mỗi nhà báo, phóng viên thay vì đơn thuần nêu lên các ý kiến chuyên gia, dần dần phải tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin để trở thành những nhà thảo luận chính sách. Khi đó, những bài viết, phỏng vấn chuyên gia sẽ là những cuộc đối thoại ngang tầm, có chiều sâu thực thụ.
Trong hội thảo này, những câu chuyện và bài học chính sách về quy hoạch phát triển và bảo tồn thiên nhiên trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, bồi thường ô nhiễm công nghiệp, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và ảnh hưởng của các hoạt động trên thượng lưu dòng Mê Kông, chính sách xã hội – môi trường của nhà đầu tư và các định chế tài chính quốc tế cũng đã được bàn luận.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam Bộ, bày tỏ mong muốn có sự kết hợp và thông tin chặt chẽ hơn giữa giới báo chí và các nhà khoa học để các nghiên cứu, phân tích và phản biện chính sách thực sự đóng góp tích cực hơn vào quá trình cải thiện hiệu quả của các chính sách môi trường và bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc PanNature, phát biểu: “Thông qua việc bắc chiếc cầu nối này, chúng tôi kỳ vọng rằng các nhà báo sẽ có thêm một cơ hội để nhìn nhận, đánh giá các vấn đề môi trường ở những góc cạnh sâu sắc hơn. Giới truyền thông cần góp phần mạnh mẽ để thúc đẩy việc thực thi và giám sát chính sách, pháp luật môi trường một cách đầy đủ và hiệu quả hơn nữa”.
Hội thảo này được PanNature tổ chức với mục đích tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực của phóng viên báo chí phản ánh và thảo luận các vấn đề môi trường và chính sách môi trường – phát triển. Đây là một trong số các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực giám sát thực thi pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do PanNature thực hiện trong giai đoạn 2008-2010, với sự tài trợ của Quỹ Ford (Hoa Kỳ).