Hòn Đất rồi sẽ thành… nước?

Nơi cao nhất của ĐBSCL cao hơn mực nước biển chưa tới 5 mét; còn nơi thấp nhất, chỉ cao hơn mực nước biển chỉ có 0,2m. Một kịch bản được Jeremy Carew Reid – GĐ Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) – đưa ra: Khi nước biển dâng cao thêm 1m, "top 10" bị ngập nặng nhất gồm có 9 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL và TPHCM. Trong đó, Kiên Giang có diện tích ngập đứng thứ hai với 1.757km2. Địa danh “Hòn Đất” nổi danh nhờ tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Đức có thể bị nước nhấn chìm do biến đổi khí hậu.

Ba đời nhà chị Phan Kim Hằng, bán quán hải sản tại khu vực chùa Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, chưa bao giờ phải di dời vì nước dâng. “Ông cố tôi có lần phải chạy lên núi vì bão mạnh” – chị Hằng nói. Nhưng đời cháu và chắt chị sau này, liệu có thể tiếp tục yên vị như chị bây giờ ở ấp Hòn Quéo khi các nhà khoa học đã cảnh báo mực nước biển trong tương lai sẽ dâng cao do biến đổi khí hậu?

Khi Hòn Đất sẽ bị nhấn chìm…

Huyện Hòn Đất (HĐ) có ba quả núi được đặt tên HĐ, Hòn Khoai và Hòn Quéo. Trong đó, HĐ nổi tiếng nhất nhờ tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Đức trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khu tưởng niệm liệt sĩ Phan Thị Ràng được xây dựng khá khang trang dưới chân HĐ. Đứng trước mộ liệt sĩ, hầu như ai cũng đều buột miệng gọi là “mộ chị Sứ” – hình tượng đã đi vào huyền thoại trong tác phẩm HĐ.

Ông Trần Xuân Nghi – Phó Chủ tịch UBND huyện – cho biết, HĐ có những cái nhất đáng vui mừng: HĐ là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất trong số hơn 600 huyện, thị trong cả nước, với hơn 104.000ha. Diện tích HĐ lớn hơn diện tích của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Hà.

HĐ cũng là một trong những huyện có sản lượng lương thực cao nhất nước, dự kiến tới năm 2010 sẽ đạt một triệu tấn. Tuy nhiên, HĐ cũng có một cái nhất đáng lo, đó là huyện này nằm trong khu vực thấp nhất của ĐBSCL, bình quân chỉ cao hơn mực nước biển một mét. Các nhà khoa học trên thế giới dự báo, trong tương lai, nước biển dâng cao thêm một mét. Khi đó, HĐ khó tránh khỏi bị nhấn chìm.

Dù chưa có nghiên cứu nào về nước biển dâng tại vùng biển Kiên Giang nhưng trên thực tế, theo ông Ngô Văn Diện – một cư dân sống tại khu vực cống nước ngọt ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn – thì “vài năm trở lại đây, người dân đã phải tôn cao nền đất dọc kênh dẫn vào cống thêm từ 20-30cm để tránh ngập”.

Tại lăng ông Nam Hải ở xã Bình Sơn, nơi người dân vẫn thường đến sinh hoạt tín ngưỡng, ông Trần Quang Hưng – cán bộ địa chính xã – cho biết, dù nền lăng đã được tôn cao thêm hai tấc nhưng nước biển vẫn mấp mé.

Vựa lúa ĐBSCL cũng không thoát

Câu chuyện huyện HĐ có thể bị nhấn chìm thúc đẩy tôi đi tìm kiếm các thông tin rõ ràng hơn. Theo Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), trong những năm qua, mực nước biển dâng cao bình quân 3,1mm/năm. VN là quốc gia có nguy cơ cao thứ tư về biến đổi khí hậu. Nhưng khi nước biển dâng, Cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng VN sẽ bị ảnh hưởng nặng chỉ sau Bangladesh.

Báo cáo của UNDP cho biết: “Nếu nhiệt độ tăng khoảng 2 độ C có thể khiến các dải băng phía nam dãy Hymalaya tan chảy. Đây là nguồn cung cấp nước cho hơn 2 tỉ người, nhưng cũng sẽ khiến cho 22 triệu người ở Việt Nam mất chỗ sinh sống và 45% đất sản xuất tại ĐBSCL biến mất vì nước biển dâng”. Khi ấy vựa lúa lớn nhất nước cũng bị cuốn trôi.

Nơi cao nhất của ĐBSCL cao hơn mực nước biển chưa tới 5 mét; còn nơi thấp nhất, chỉ cao hơn mực nước biển chỉ có 0,2m. Một kịch bản được Jeremy Carew Reid – GĐ Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) – đưa ra: Khi nước biển dâng cao thêm 1m, “top 10” bị ngập nặng nhất gồm có 9 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL và TPHCM. Trong đó, Kiên Giang có diện tích ngập đứng thứ hai với 1.757km2.

Nguyên nhân của nước biển dâng là do nhiệt độ tăng làm tan chảy các dải băng ở bắc cực, các luồng nước trong đại dương dãn nở dâng bờ. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cũng gây nên các hiện tượng thời tiết thất thường, lượng mưa nhiều hơn, lũ lớn hơn làm cho các con sông tràn bờ. Trong gần 100 năm trở lại đây, nhiệt độ của trái đất đã tăng lên gần 10C. Nhiệt độ tăng do các loại khí nhà kính phát thải từ nạn chặt phá rừng, sản xuất công nghiệp, giao thông v.v… Theo các chuyên gia, nạn phá rừng và các ruộng lúa tại ĐBSCL cũng góp phần phát thải khí nhà kính.

Những lão nông như ông Ngô Văn Diện không biết gì về biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay nhiệt độ tăng dưới góc độ học thuật. Ông Diện chỉ cảm thấy trời nóng hơn qua xúc giác theo dòng hồi ức: “Khoảng 7 năm về trước, quãng thời gian từ tháng 3-5, trời chỉ hơi nóng chứ không nóng như bây giờ. Giờ nóng hơn nhiều, thậm chí lạnh đột ngột vào mùa hè.

Những tháng 10-11 không còn như trước đây se lạnh như mùa đông”. Kỹ sư Nguyễn Văn Hạnh thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Kiên Giang đưa ra con số: Từ năm 2000-2006, nhiệt độ trung bình của Rạch Giá – Kiên Giang tăng xấp xỉ 0,30C so với thời kỳ 1961-1999.

 
Người dân đã tôn nền dọc mương dẫn vào cống nước ngọt ấp Hòn Quéo để tránh ngập.

Đê bao có đủ sức ngăn nước biển dâng?

Chị Phan Kim Điều – người chị em họ của chị Phan Kim Hằng – khi được hỏi: “Nếu nước biển dâng cao nhấn chìm huyện HĐ trong tương lai thì sao?”, chị chỉ cười: “Thì chạy lên núi ở…”. Có ý kiến cho rằng người dân HĐ vô lo quá, hồn nhiên quá… Nhưng biết làm sao được khi mỗi ngày họ đang vẫn phải chịu sức ép lớn nhất lên đời mình là kế sinh nhai, còn những người có quyền và có chuyên môn vẫn đang thiếu thông tin?

Khoảng 80%-85% GDP của huyện HĐ hiện nay do ngành nông-lâm-ngư đóng góp. Năm 2007, GDP của toàn huyện đạt 1.058 tỉ đồng (tính theo giá năm 1994). Nếu HĐ bị nhấn chìm, khả năng thiệt hại không chỉ có hơn 1.000 tỉ đồng kia mà còn là nơi cư trú, công ăn việc làm… của chừng 150.000 con người. Và ai dám bảo đảm rằng nước biển khi ấy không nhấn chìm toàn bộ hạ tầng, tài sản công và tư, cùng những tập quán sinh hoạt, văn hoá…

Khi những cư dân và chính quyền huyện HĐ không thể làm thay đổi được sự ấm nóng của trái đất mà họ hầu như chỉ là “nạn nhân” của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, bắt họ phải nghĩ ra một giải pháp nào đó là một điều khó khả thi. Song từ năm 2002, tại HĐ đã xây dựng tuyến đê bao dọc biển dài 49km để ngăn mặn xâm nhập.

Vô hình trung, tuyến đê đắp bằng đất cao hơn mặt nước biển từ 1,2-1,5m này trở thành vật chắn hữu hiệu khi mai kia nước biển dâng lên cao thêm 1m hoặc hơn thế. Nhưng đê bao để chống chọi với Thủy Tinh dâng nước lên trong tương lai đâu chỉ cần cho mỗi HĐ không thôi. Bởi nếu chiếu theo kịch bản của Jeremy Carew Reid, thì nhiều tỉnh thành khác trong khu vực ĐBSCL cũng cần làm công việc của Sơn Tinh là đắp đê bao ven biển để đề phòng hậu hoạ.

Đi trên bờ đê huyện HĐ trưa nắng khô khát, nhìn ra xa là biển và tiếp theo là rừng phòng hộ ven biển. Nhiệm vụ giữ đê trong nhiều năm qua đã được con người gần như giao mặc cho những rừng đước, mắm, vẹt… Vì thế, khi cây mất, rừng mất, đê cũng mất theo. Không phải là giả thiết mà thực tế đã diễn ra như thế. Dọc đoạn đê hơn 800m tại xã Bình Sơn, rừng phòng hộ bị kẻ xấu phá dần từ bề dày 100m ban đầu xuống còn 20-30m. Khi rừng đã mỏng không ngăn được các đợt sóng dữ tháng 10/2006, khiến cho đoạn đê bị đánh vỡ toang, giờ lan ra hơn một cây số.

Ông Trần Xuân Nghi cho biết: “Trồng 1ha rừng chỉ mất chừng 100 triệu đồng thôi, nhưng giờ để vá lại đoạn đê bằng bêtông nhà nước phải tốn đến bảy tỉ đồng”. Việc vá đê đang được tiến hành nhưng không xua được hết những băn khoăn: Trải dọc theo 49km đê nhưng chỉ có 1.000ha rừng phòng hộ, phân bố ra khiến rừng trở nên mỏng mảnh như một dải lụa, liệu có ngăn được sóng dữ, chứ chưa nói là nước biển dâng lên cao thêm cả mét sau này?

Thực tế đang cho thấy một giải pháp hữu hiệu là rừng phòng hộ ven biển và đê bao phải được trồng thêm và tôn tạo để đủ vững chãi. Chứ để rừng phòng hộ ven biển mỏng mảnh như hiện nay, giữ đê còn chưa đủ nói gì tới ngăn nước biển dâng!

Ở Thái Lan, khi các nhà khoa học cảnh báo thủ đô Bangkok đang chìm dần so với mực nước biển thì các quan chức chính phủ và đặc biệt là cả Đức vua Bhumibol Adulyadej đều đưa ra gợi ý giải pháp xây dựng đê bao và làm lệch các dòng chảy dẫn nước về hồ chứa để tránh ngập.

Các giải pháp cho tương lai ĐBSCL nếu nước biển dâng cũng khó có những đột phá hơn thế. Tuy nhiên, Phó đại diện UNDP tại VN cho rằng cần nâng cao khả năng thích ứng ở các vùng có thể bị ảnh hưởng nước biển dâng, như làm nhà cửa cao lên chẳng hạn…

“Thì lên núi ở…”. Nếu tất cả mọi người dân huyện HĐ cùng kéo lên ba “hòn” như lời chị Điều thì chắc chắn không còn khung cảnh rộng rãi, thoáng đãng cho tôi ngồi ăn món tôm tích luộc ngọt ngon do chị Hằng bán. Mà chắc gì khi ấy, chị Hằng còn có đất để bán tôm…

Người dân đã tôn nền dọc mương dẫn vào cống nước ngọt ấp Hòn Quéo để tránh ngập Đê bao – giải pháp chống nước mặn xâm nhập và cũng có thể ngăn nước biển dâng tràn vào.