Đắk Lắk – một cực quan trọng trong tam giác phát triển

ThienNhien.Net – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 trên quan điểm chủ đạo là xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên – "một cực" trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Việc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trước hết là về con người, về tài nguyên đất, rừng, thủy năng và các khoáng sản để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Quy hoạch vạch ra phương hướng phát triển cụ thể cho các ngành và lĩnh vực. Đối với ngành trồng trọt, tỉnh cần tập trung vào các cây công nghiệp dài ngày có giá trị hàng hóa xuất khẩu như cà phê, cao su, điều, ca cao, hồ tiêu…; tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu tại chỗ như thủy điện, chế biến nông, lâm sản…

Dự kiến trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, ngoài thành phố Buôn Ma Thuột, sẽ hình thành một số đô thị mới trên cơ sở nâng cấp các thị trấn thành thị xã, đó là các thị xã Ea Kar, Buôn Hồ, Phước An và Buôn Trấp. Ngoài ra, sẽ hình thành thêm một số thị trấn và thị tứ với chức năng là những trung tâm của từng tiểu vùng.

Công tác phát triển kinh tế – xã hội được chia thành 3 tiểu vùng lãnh thổ. Tiểu vùng I bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M gar, Buôn Đôn, KrôngPăk, Krông Ana và Lắk. Tiểu vùng II bao gồm các huyện Krông Buk, Krông Năng, Ea Súp và Ea H Leo. Tiểu vùng III bào gồm các huyện Ea Kar, M Đrăk, Krông Bông.

Các mục tiêu cụ thể:
* Về phát triển kinh tế: Tổng GDP năm 2010 gấp 1,7 lần so với năm 2005; năm 2020 gấp 3,03 lần so với năm 2010. GDP/người năm 2010 đạt khoảng 9,5 – 10 triệu đồng; năm 2020 khoảng 42-43,3 triệu đồng.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 11%-12%; giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 12%-12,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 12,5%-13%.
* Về phát triển xã hội: Phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2010 còn 1,5%; năm 2015 còn 1,3% và năm 2020 là 1,1 %.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15% vào năm 2010 và đến năm 2020 về cơ bản không còn hộ nghèo.
* Về tài nguyên và môi trường: Phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 50% vào năm 2010 và 54% vào năm 2020…
* Về kết cấu hạ tầng chủ yếu: Phấn đấu đến năm 2010 có 95% số hộ dân được sử dụng điện, đến năm 2015 đưa tỷ lệ này lên 100%. Năm 2010, 100% số xã trong Tỉnh có mạng điện thoại, 100% các điểm bưu điện văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng được kết nối internet….