Chi khắc phục ô nhiễm: Quá ít so với nhu cầu

ThienNhien.Net – 364 tỷ đồng là khoản ngân sách đã chi cho Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015 để xử lý ô nhiễm môi trường, chỉ đạt 14,56% kinh phí đã được phê duyệt ban đầu. Số tiền này chẳng khác nào muối bỏ biển trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm như hiện nay.

Bí kinh phí, chậm triển khai

Chương trình MTQG về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được kỳ vọng sẽ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra; 100% các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai đã xây dựng dự án đầu tư được triển khai.

Tuy nhiên, tổng mức kinh phí hiện nay giảm nhiều so với kinh phí ban đầu được phê duyệt, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn dẫn đến một số mục tiêu của Chương trình được triển khai thực hiện với lượng vốn nhỏ, không tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Quyết định 1206 QĐ – TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguồn ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn sự nghiệp môi trường là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong năm 2012, 2013 và năm 2014 ngân sách Trung ương mới bố trí được tổng kinh phí là 364 tỷ đồng, chiếm 14,56% kinh phí đã được phê duyệt. Cùng với đó, theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2013 – 2015 là 400 tỷ đồng, giảm 600 tỷ đồng so với nguồn vốn được phê duyệt.

Hiệu quả của Chương trình chưa được như mong đợi. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Hiệu quả của Chương trình chưa được như mong đợi. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Ngân sách giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các địa phương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015, ngoài việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, ban hành một số văn bản pháp luật thì tiến độ triển khai các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường ở cả ba mục tiêu cơ bản là khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các lưu vực sông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa được như mong đợi.

Nguyên nhân cơ bản là do nguồn kinh phí hỗ trợ thiếu và chậm so với kế hoạch, trong khi đó các dự án này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên nhiều địa phương không có khả năng bố trí đủ nguồn vốn. Thêm vào đó, việc thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời hộ sản xuất, cơ sở ô nhiễm, bố trí quỹ đất, đền bù giải phóng mặt bằng hoặc chưa tìm được công nghệ xử lý phù hợp… khiến chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khăn.

Cần sự sẻ chia gánh nặng

Công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường luôn là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, vì vậy các địa phương nên chia sẻ gánh nặng với Chính phủ, đồng thời phải nghiêm túc trong chi tiêu, chủ động linh hoạt trong cách thực hiện để làm sao các dự án đạt hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, hiện, phần lớn các dự án của Chương trình được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện KT-XH khó khăn nên việc huy động nguồn lực của các địa phương và từ các nguồn vốn hợp pháp khác rất hạn chế. Việc huy động từ cộng đồng chỉ mang tính chất cam kết, không có tính chất pháp lý đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện Chương trình. Mặt khác, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, một số địa phương đã sử dụng kinh phí hỗ trợ từ Trung ương sai mục đích, chưa bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình xử lý hoặc di dời các công đoạn gây ô nhiễm và chưa chủ động tìm kiếm công nghệ xử lý hiệu quả để triển khai dự án.

Để thực hiện có hiệu quả với nguồn kinh phí được phân bổ, hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ được điều chỉnh lại mục tiêu cụ thể và phạm vi thực hiện của Chương trình. Mục tiêu cụ thể, tập trung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 11 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; cải thiện và phục hồi môi trường đối với 25 khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra; 100% các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai đã xây dựng dự án đầu tư được triển khai.