Thêm doanh nghiệp gia nhập Mạng lưới Kinh doanh Lâm sản

ThienNhien.Net – Tập đoàn Khải Vy, Công ty TNHH Trí Tín và Tập đoàn Đức Nhân vừa chính thức được kết nạp vào Mạng lưới Kinh doanh Lâm sản Việt Nam (VFTN). Thành lập năm 2005, VFTN đã kết nạp 4 thành viên đầu tiên năm 2006 và 3 thành viên năm 2008. VFTN là một bộ phận của Mạng lưới Kinh doanh Lâm sản toàn cầu (GFTN) hiện đang hoạt động ở 34 nước với 341 thành viên, chiếm 16% tổng kim ngạch thương mại lâm sản toàn cầu. Ở Việt Nam, VFTN là chương trình của Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, hoạt động dựa trên sự hợp tác với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIF̀ORES) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Ông Lê Khắc Côi, Điều phối viên VFTN cho biết, GFTN là một sáng kiến của WWF nhằm loại bỏ khai thác gỗ bất hợp pháp và biến thị trường thành động lực hữu hiệu để cứu những cánh rừng qúy giá của thế giới đang bị đe dọa. Sáng kiến này phù hợp với xu thế của thời đại, được giới doanh nhân cùng các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhiệt tình hưởng ứng nên đã nhanh chóng lớn mạnh, đóng góp đáng kể cho bảo vệ môi trường và kinh doanh bền vững cùng sản xuất sạch.

Mục tiêu chính của VFTN là góp phần bảo tồn rừng tự nhiên có giá trị và đang gặp nguy hiểm bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm. Những thành viên của mạng lưới sẽ cam kết mua, bán gỗ và các sản phẩm gỗ từ những nguồn rừng được quản lý bền vững. Các thành viên của mạng lưới sẽ được cung cấp những thông tin về nhu cầu và nguồn cung cấp trong mạng lưới. Để có thể tận dụng được hết những cơ hội về thị trường này, các doanh nghiệp cần chính thức cam kết trong việc cải tiến hệ thống quản l‎ý của mình cũng như đạt được chứng chỉ đáng tin cậy trong một thời gian nhất định.

Hiện tại, chứng chỉ của Hội đồng Quản trị rừng thế giới (FSC) là chứng chỉ duy nhất được VFTN chấp nhận. Khi tham gia VFTN, bên cạnh việc được chính thức công nhận, các công ty sẽ nhận được những lợi ích từ các dịch vụ hỗ trợ cũng như được tạo điều kiện tiếp cận với các thị trường ở châu Âu và Mỹ – những nơi luôn muốn được đảm bảo về các sản phẩm gỗ từ các nguồn rừng được quản l‎ý bền vững.