Đồng bằng sông Cửu Long: nuôi thủy sản mùa lũ

Mùa nước nổi 2007 này, nông dân các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển rất nhiều mô hình nuôi thủy sản như nuôi lươn, cá lóc, tôm càng xanh… để tăng thu nhập. Đặc biệt, trong mùa lũ này, nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ… đang tập trung nuôi cá rô đồng trong ao bao ví, ruộng lúa – những mô hình rất “thịnh hành” hiện nay.

Nuôi cá rô đồng mùa lũ

Một điển hình là trường hợp bà Lê Thị Hậu, ngụ tại ấp I, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, một trong những nông dân thành công trong mô hình nuôi cá rô đồng mùa lũ mấy năm qua. Lũ 2007 này, bà đang chăm chút diện tích nuôi cá rô đồng của mình và hứa hẹn khi lũ rút là có thể thu vào cả trăm triệu đồng.

Bà Hậu bộc bạch: “Qua nhiều năm thất bại từ các mô hình tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính (do không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng), tôi đã chuyển sang nuôi cá rô đồng, mang lại hiệu quả từ hơn hai mùa lũ qua”. Mùa lũ 2006, bà thả gần 1.000 kg cá rô giống (cỡ 250 con/kg) trên diện tích mặt hầm gần 2.500 m2. Sau hơn 4 tháng mùa nước, bà thu hoạch gần 15 tấn cá rô đồng thương phẩm. Giá bán cá cho thương lái năm ngoái trung bình là 27.000 đ/kg. Sau khi trừ hết chi phí, bà Hậu lãi trên 100 triệu đồng.

Ở Đồng Tháp, một trong bốn tỉnh thành có nước ngọt quanh năm ở ĐBSCL, cũng đang rộ lên phong trào nuôi cá rô đồng mùa nước nổi trong bao ví, ao vèo. Đã có không ít hộ gia đình ăn nên làm ra nhờ nuôi con cá rô đồng. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Đồng Tháp).

Mùa lũ rồi, ông Dũng thu 100 triệu đồng tiền bán cá rô thương phẩm trên diện tích ao nuôi bao ví khoảng 2.000 m2. Thấy được, ông Dũng mở rộng quy mô sản xuất trong mùa lũ 2007 này, với diện tích 2 ha cá rô đồng trên ruộng và ao bao ví. “Tròm trèm 8 triệu con cá rô giống đang trong độ tuổi lớn. Dự kiến hết lũ năm nay, tôi thu hoạch khoảng 100 tấn cá rô thương phẩm” – ông Dũng tâm sự.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi cá rô đồng mùa nước nổi, con cá rô cũng dễ nuôi do chúng ít bệnh tật; háu ăn, chóng lớn. Mỗi ngày, người nuôi cho cá ăn 5 – 7 lần; trời mưa thì cho ăn ít lại. Cá từ 2 tháng tuổi trở lên thì người nuôi nên cho cá ăn vào ban đêm…

Cá rô đồng là loại ăn tạp, ngoài thiên nhiên chúng ăn giun, tôm, tép, trứng cá, nòng nọc, côn trùng, rong, bèo, lúa hột… Khi nuôi cũng thế, tận dụng những thứ trên làm thức ăn cho cá, trộn chung với tấm, cám, ốc bươu bằm…

Kinh tế mùa nước nổi

Một cán bộ thủy sản cho biết: tùy theo từng vùng ở ĐBSCL mà ta phát triển mô hình nuôi thủy sản mùa lũ cho phù hợp. Không riêng gì con cá rô đồng, nhiều nông dân cũng thành công với cá thác lác (Hậu Giang), tôm càng xanh ở An Giang hay các loại cá khác ở Vĩnh Long…

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, địa phương đã có trên 84.000 hộ (trên 200.000 người) tham gia vào 2.200 tổ hợp tác với tổng diện tích đất trên 50.000 ha, với các mô hình như lúa + cá, vườn + màu + nấm rơm + thủy sản… Vĩnh Long cũng đã chú trọng phát triển các mô hình nuôi thủy sản mùa nước nổi.

Còn tại An Giang, mùa nước nổi 2007, đang có 60.000 ha lúa vụ 3, 11.000 ha rau màu, gần 2.000 ha nấm rơm… Dự kiến sẽ có gần 200.000 hộ nông dân tham gia khai thác lợi thế mùa nước nổi, qua đó giải quyết việc làm cho trên 500.000 lao động.

Ngành nông nghiệp An Giang cho biết: theo kế hoạch đến năm 2010, tỉnh sẽ tận dụng, khai thác sản xuất trong 4 tháng mùa nước nổi hàng năm khoảng 400.000 tấn lúa, 270.000 tấn rau – dưa, 6.000 tấn rau nhút; 5.000 tấn ấu, gần 10.000 tấn cá đồng, lươn, ếch… Ước tính giá trị sản xuất mùa nước nổi của tỉnh này hàng năm là khoảng 1.400 tỉ đồng.