Tan tác vùng đệm VQG Chư Yang Sin

ThienNhien.Net – Vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin có diện tích lên tới hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên thuộc 13 xã của 2 huyện Krông Bông và Lắk (Đắk Lắk). Đây được coi là lá chắn phòng hộ cho hơn 58 nghìn ha rừng thuộc vùng lõi của Vườn, nơi có ngọn núi Chư Yang Sin cao 2.442m được ví là “nóc nhà” của nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây rừng vùng đệm của VQG Chư Yang Sin đang bị người dân tàn sát với tốc độ khủng khiếp để lấy đất làm rẫy.

Tàn sát vùng đệm

Địa bàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông) thuộc vùng đệm của VQG Chư yang Sin, nơi được đánh giá là một trong những điểm nóng của nạn phá rừng làm rẫy. Ông Võ Chương, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, xã có hơn 17.300 ha rừng do huyện giao cho quản lý từ năm 1987. Tuy nhiên, Ban lâm nghiệp của xã chỉ có 6 người, hầu hết là kiêm nhiệm kiểu “đánh trống ghi tên” để nhận… phụ cấp. Việc quản lý bảo vệ hàng chục nghìn hà rừng ở đây gần như hoàn toàn giao phó cho một nhân viên kiểm lâm địa bàn, vì vậy rừng trở nên vô chủ. Cũng theo ông Chương, chưa thể đo đếm cụ thể đựơc, nhưng trong vòng hơn 10 năm gần đây, ít nhất 3.000 ha rừng ở Cư Pui đã bị xoá sổ.

Cũng theo ông Bí thư đảng uỷ, với lực lượng nòng cốt quản lý bảo vệ rừng là Ban lâm nghiệp xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay thì việc ngăn không cho dân phá rừng làm rẫy là điều không tưởng. Thỉnh thoảng xã có tổ chức đoàn truy quét ngăn chặn việc phá rừng nhưng cũng không đem lại kết quả gì, bởi đoàn kiểm tra đông lắm cũng chỉ khoảng 10 thành viên, trong khi người dân thường tụ tập trên 50 người để chống đối.

Hỏi diện tích rừng thực hiện nay của xã Cư Pui còn lại bao nhiêu? Ông Chương đáp: “Không có con số chính xác được. Nhưng nói thật, nếu các anh có điều kiện đi thực tế thì không còn gì được gọi là rừng nữa”. “Hơn nữa, nếu cấm dân phá rừng làm rẫy thì dân đói, mà như vậy thì việc xoá đói giảm nghèo là không thể hoàn thành mục tiêu”, ông Chương hóm hỉnh. Dân số xã cư Pui hiện có gần 12.000 khẩu với hơn 2.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm gần 50%.

Được 2 cán bộ kiểm lâm trẻ của VQG Chư Yang Sin dẫn vào các tiểu khu 1147, 1148, 1161, 1380… Cảnh tượng hoang tàn hiện rõ mồn một trước mắt: Những cánh rừng nguyên sinh bị phá trắng làm rẫy với những thân cây bị đốn hạ cháy đen nham nhở, xen lẫn là những rẫy sắn cũ trải rộng đến ngút mắt.

Anh cán bộ kiểm lâm cho biết, Ngay cả hơn 3.000 ha rừng vùng đệm ở Khu di tích căn cứ Đắk Tual (xã Cư Pui) đã được giao cho 100 hộ dân tại chỗ quản lý bảo vệ cũng bị người dân phá không thương tiếc để làm rẫy. Người dân ở đây vẫn canh tác theo kiểu “phát, đốt, chọc, trỉa” trên những sườn đồi có độ dốc cao nên chỉ sau vài năm khi đất bị rửa trôi, xói mòn trở nên cằn cỗi thì người ta lại bỏ hoang và tìm nơi khác để phá rừng làm rẫy mới. Vì vậy, cùng với sự gia tăng dân số cơ học thì tốc độ phá rừng với sự trợ giúp của của máy móc ở đây càng trở nên khủng khiếp hơn.

“Rút ruột” vùng lõi

Mặc dù rừng vùng đệm đã bị “cạo” đến tận mốc ranh giới với vùng lõi, nhưng cho đến nay, nhờ sự kiên quyết của cán bộ kiểm lâm nên vùng lõi VQG Chư Yang Sin vẫn chưa bị người dân tấn công để lấy đất sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây bọn lâm tặc liên tục tấn công vào vùng lõi để khai thác gỗ quý hiếm và săn bắt động vật hoang dã đẩy VQG Chư Yang Sin trở thành một trong những điểm nóng.

Ông Lê Văn Từ, Phó Giám đốc kiêm hạt trưởng hạt Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin cho biết: Từ đầu năm đến nay lực lượng kiểm lâm của Vườn phát hiện 27 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 18kg động vật hoang dã, gần 10m3 gỗ cùng nhiều phương tiện phục vụ phá rừng khác. Đây chỉ là con số quá nhỏ bé so với tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã hiện nay ở VQG Chư Yang Sin. Chỉ tính riêng về nạn đặt bẫy bắt thú rừng, mỗi năm lực lượng kiểm lâm tổ chức truy quét và thu giữ hàng chục nghìn chiệc bẫy thú các loại. Nhiều vùng trong vùng lõi bị lâm tặc đặt bẫy như “thiên la địa võng” mà ngay đến lực lượng kiểm lâm khi đi truy quét cũng bị “dính” bẫy chứ đừng nói đến thú rừng.

Hiện Ban Giám đốc VQG Chư Yang Sin như đang ngồi trên lửa, bởi vùng đệm đã bị “cạo” đến ranh giới vùng lõi, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng lõi đang trở nên cực kỳ nóng bỏng. Người dân sống ở vùng đệm đa số là đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc di cư vào. Cùng với tập quán canh tác “phát, đốt, chọc, trỉa” thì sau mỗi vụ thu hoạch tất cả lại đổ xô vào rừng cùng với bẫy, súng tự chế, cưa máy… để săn bắt động vật rừng và khai thác gỗ.

Mặt khác, việc xử lý các vụ vi phạm lâm luật không nghiêm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, nhiều vụ việc bị lực lượng kiểm lâm của Vườn phát hiện, bắt quả tang lập hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng đề nghị khởi tố, xử lý nhưng cuối cùng rơi vào im lặng. Một số đầu nậu còn xúi bẩy người dân vào vùng lõi phá rừng, khai thác lâm sản để bán cho chúng với giá bèo. Bọn chúng còn kích động để người dân chống trả, thậm chí là hành hung, trả thù lực lượng kiểm lâm nếu bị phát hiện.

Các biện pháp xử lý hành chính cũng đều “bất khả thi”, bởi các đối tượng lấy cớ hộ nghèo không có tiền nộp phạt, mà cưỡng chế thì họ không có tài sản đủ điều kiện để thi hành. Để tránh bị khởi tố, các đối tượng phá rừng làm rẫy áp dụng “kinh nghiệm” chỉ phá mỗi nơi không quá 1 ha và lập các “nhóm hộ” phá trên 1 diện tích để chia nhỏ trách nhiệm. Những vụ việc kiểu như trên khiến các đối tượng vi phạm “lờn mặt” cơ quan chức năng, trở thành “tấm gương xấu” cho các đối tượng khác “noi theo”.

Theo ban lãnh đạo VQG Chư Yang Sin, để ngăn chặn việc phá rừng vùng đệm, giảm áp lực cho vùng lõi thì biện pháp hiệu quả nhất là phải nâng cao đời sống vật chất, nhận thức và thay đổi tập quán canh tác cho cư dân vùng đệm. Tuy nhiên, lâu nay các dự án kinh tế – xã hội dành cho cư dân vùng đệm hầu như chưa có.

Đời sống khó khăn, nhận thức kém nên việc họ phá rừng là không tránh khỏi. Cũng cần xem xét lại chế độ giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân, bởi hiện nay người dân chưa thể sống được từ diện tích rừng được giao khoán, trong khi đời sống lại quá khó khăn khiến chính họ lại xâm hại đến rừng. Trong khi đó, thẩm quyền xử lý của lực lượng kiểm lâm còn quá hạn chế nên công tác bảo vệ rừng càng gặp khó khăn hơn. Mặt khác việc giao một diện tích rừng lớn cho xã là quá bất cập, bởi cấp địa phương này không đủ thực lực để quản lý, khiến rừng do họ quản lý trở nên “vô chủ”. Khi chưa giả quyết được các bất cập nói trên thì không riêng gì VQG Chư Yang Sin mà các khu rừng cấm khác ở Đắc Lắc vẫn tiếp tục bị tàn phá dữ dội./.