Lịch sử khí hậu hỗ trợ công tác bảo tồn

ThienNhien.Net – Theo các nhà khoa học, hiểu biết về lịch sử khí hậu của một vùng có thể giúp định vị những khu vực đa dạng về loài trong vùng đó. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người làm công tác bảo tồn.

Khái niệm “điểm nóng đa dạng sinh học” (biodiversity hotspot) được thiết lập bởi nhà khoa học người Anh Norman Myers 20 năm về trước, và là một khái niệm thường được các nhà bảo tồn sử dụng.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Bắc và Nam Mỹ đã sử dụng thông tin về lịch sử khí hậu của rừng Atlantic thuộc Brazil để định vị những điểm nóng về đa dạng gen. Nhóm nghiên cứu cho biết có thể đặt ra “những ưu tiên mới” cho công tác bảo tồn ở những vùng có các loài động thực vật giá trị nhờ tìm hiểu về lịch sử khí hậu vùng.

Người điều phối nghiên cứu, tiến sĩ Ana Carolina Carnaval thuộc Đại học California tại Berkely cho biết: “Với phương pháp này, chúng ta có thể định vị được những khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Đó là những khu vực đã giữ được khí hậu ổn định qua thời gian, là nơi cộng đồng địa phương có thể sống dựa vào. Mặc dù chưa tiến hành được công tác nghiên cứu các mẫu một cách toàn diện, chúng tôi vẫn nghĩ rằng ở đó có rất nhiều tính đa dạng chưa được phát hiện hay ghi chép lại, không loại trừ khả năng có rất nhiều loài mà giới khoa học chưa biết đến”.

Rừng Atlantic trải dài hàng nghìn kilomet dọc bờ biển Brazil, chạy vào phần đất liền của Paraguay và kéo dài đến tận miền Bắc Argentina. Gần 10% diện tích khu vực còn giữ được sự nguyên vẹn ban sơ. Dù bị phá hủy trên diện rộng và giờ chỉ là những khu rừng nhỏ nằm trên đỉnh đồi, chúng vẫn được xem như một khu dự trữ sinh quyển.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Carnaval đã sử dụng các mô hình khí hậu để chứng minh rằng, trong suốt 2 vạn năm qua, vùng trung tâm của rừng có sự thay đổi khí hậu ít hơn khu vực phía Nam vốn được khảo sát nhiều hơn. Họ đưa ra giả thuyết rằng ở đó các loài sống sót được do không bị xáo trộn bởi những dao động về khí hậu, trong khi ở một số nơi khác trong rừng, sự sống của các loài khác bị đe dọa nhiều hơn.

Khái niệm “điểm nóng đa dạng sinh học” (biodiversity hotspot) được thiết lập bởi nhà khoa học người Anh, Norman Myers, đề xướng 20 năm trước. Những khu vực có nhiều loài đặc hữu sinh sống đang bị mất môi trường sống trên quy mô lớn và bị đe doạ tuyệt chủng được gọi là những “điểm nóng đa dạng sinh học”.

Một điểm nóng đa dạng sinh học phải hội đủ hai tiêu chí: có ít nhất 0,5% hoặc 1500 loài thực vật có mạch và đã bị mất ít nhất 70% thảm thực vật ban đầu. Trên thế giới hiện có 25 khu vực hội đủ hai yếu tố này và 9 khu vực nguy cơ cao.

Để khẳng định giả thuyết này, họ lấy DNA từ 3 loài ếch sống ở trong toàn vùng và phát hiện ra rằng những con ếch ở trung tâm rừng có nguồn gen đa dạng hơn, điều này chứng tỏ những quần thể ở đó đã sống ổn định hơn trong suốt hàng nghìn năm qua.

Nếu ý kiến này cơ bản là đúng, nó có thể giúp định vị được những khu vực có thể là tiêu điểm nghiên cứu cho các nhà khoa học. Về điều này, tiến sĩ Carnaval cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng kỹ thuật này có thể áp dụng ở các quốc gia và các khu vực khác để tìm ra những vùng mà chúng ta nghiên cứu mẫu chưa được tốt, những vùng có thể mang tính đa dạng độc đáo nhưng chưa được khám phá.”

Đây là một phương pháp chung để xác định và ưu tiên những điểm nóng đa dạng sinh học, nhằm tìm ra những khu vực có tính đa dạng cao chưa được thăm dò đầy đủ.

Mặc dù vậy, các điểm nóng có thể rất lớn – rừng Atlantic là một ví dụ – vì vậy, về mặt thực tiễn, xác định những khu vực mục tiêu bên trong chúng để ưu tiên nghiên cứu hoặc bảo tồn là công việc thiết thực và rất có giá trị.

Nói về phương pháp này, Jonathan Baillie thuộc Hội động vật học London cho biết: “Đó là một phương pháp khoa học thú vị và bổ ích. Sẽ có những hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng đó là một phương pháp tích cực, cung cấp thêm một cách nhìn vấn đề, và một công cụ mà các tổ chức bảo tồn có thể tham khảo trong quá trình ra quyết định.”