Hoạt động khoa học công nghệ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

ThienNhien.Net – Là địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh nên diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, chính vì vậy huyện Trảng Bom, Đồng Nai đã không ngừng đề xuất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện.

Tích cực đưa nghiên cứu vào sản xuất

Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, huyện đang hướng tới ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học vào trong sản xuất và đời sống. Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cho các phòng ban của huyện rà soát lại các hoạt động khoa học – công nghệ, đôn đốc thực hiện nhanh việc ứng dụng các đề tài đã nghiệm thu vào sản xuất. Theo đó, năm 2010, huyện đề nghị được duyệt thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 2 đề tài thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường, 1 đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và 1 đề tài thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn.

Riêng trong năm 2008, huyện đã thành lập hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành cấp huyện để nghiệm thu dự án “sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại xã Trung Hòa” (thuộc chương trình 50/50 của tỉnh). Anh Nguyễn Văn Hiệp – Cán bộ phụ trách mảng khoa học công nghệ huyện cho biết, đề tài này được thực hiện năm 2007 trên diện tích 2 hécta và đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương. Hiện huyện đã thống nhất triển khai nhân rộng mô hình trồng rau an toàn ra 3 xã Bình Minh, Sông Trầu, Hố Nai 3 và Thị trấn Trảng Bom với diện tích 2 hécta.

Ngoài các dự án, đề tài “xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học VEM-K và BIO-F để xử lý mùi hôi và sản xuất phân hữu cơ vi sinh”, “đánh giá hiện trạng môi trường và xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng 2020”, “đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và xây dựng mô hình xử lý nước thải từ quá trình sản xuất tinh bột mì tại ấp Trà Cổ và ấp Tân Bắc xã Bình Minh, huyện Trảng Bom” của tỉnh, huyện còn đang phối hợp với Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam triển khai dự án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ năng suất cao” của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hiện 10 hécta thanh long ruột đỏ Long Định 1 được trồng tại 12 hộ dân thuộc 4 xã: Hố Nai 3, Sông Trầu, Hưng Thịnh và Tây Hòa đang phát triển khá tốt. Dự kiến đến Tết một số cây sẽ cho trái. Thanh long ruột đỏ Long Định 1 được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tiến hành lai tạo giữa thanh long ruột đỏ Colombia và thanh long ruột trắng Bình Thuận. Năm 2005, giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, dự án nông thôn “chăn nuôi bò thịt cao sản tại xã An Viễn và xã Đồi 61” của Bộ Khoa học – Công nghệ đã được địa phương triển khai đúng theo tiến độ và cho đến nay đã có 11 con bò mẹ sinh 11 con bê con, 4 con đang mang thai và 30 con cũng sắp được lên giống.

Vẫn còn những trăn trở

Nhiều năm qua, việc đưa KHCN ứng dụng trong nông nghiệp đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Song việc thực hiện, triển khai và ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn vẫn còn là vấn đề mà các nhà khoa học, nhà quản lý phải tính toán kĩ hơn.

Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện bức xúc nói, hiện địa phương đã sản xuất rau theo quy trình trồng rau an toàn, sản phẩm cũng đã được kiểm định là đạt chuẩn nhưng cho đến nay các sản phẩm rau an toàn này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn cũng như nhãn hiệu hàng hóa. Chính vì thế mà đầu ra cho các sản phẩm cũng vẫn chỉ dừng lại ở mức rau thông thường, tức chợ vẫn là chủ yếu và giá thành cũng như rau thông thường khác.

Thạc sĩ Hùynh Thành Vinh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh trăn trở, hiện có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiên cứu thành công nhưng để triển khai nhân rộng lại vướng kinh phí. Trong khi hàng hoá nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai là rất nhiều, sản lượng cao nhưng chất lượng còn thua kém nhiều tỉnh thành trong cả nước. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng để thực hiện lại tuỳ thuộc vào kinh phí.

Tiến sĩ Phạm Văn Sáng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, huyện phải sắp xếp lại ngân sách địa phương để kết hợp với nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Sở để thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đặc biệt, Sở luôn sẵn sàng hỗ trợ huyện về mặt chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học công nghệ trên địa bàn.