Chuyển giao công nghệ: chi phí thuộc về ai?

ThienNhien.Net – Tuy nội dung chủ yếu của Hội thảo về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên Hợp Quốc diễn ra tại thành phố Bonn, Đức hồi đầu tháng tư xoay quanh mục tiêu giảm tải khí thải CO2 nhưng các cuộc đàm phán về chuyển giao công nghệ năng lượng hiệu suất cao cũng diễn ra không kém phần sôi nổi. Hiện nay có nhiều kỹ thuật có thể hỗ trợ các nước đang phát triển, nhưng các nước công nghiệp lại “không cam lòng” chuyển giao chúng mà không nhận được một đồng phí nào.

Vấn đề này được quan tâm nhiều hơn kể từ sau hội nghị Bali diễn ra cuối năm 2007, khi các nước đang phát triển tham gia đã chấp thuận việc thực hiện các hành động giảm thiểu phù hợp với bối cảnh của mỗi nước.

Tại hội nghị lần này, Ấn Độ đã lên tiếng cáo buộc trách nhiệm của các nước phát triển trước năm vấn đề: 1.) Phớt lờ trách nhiệm về quá khứ; 2.) Đưa ra những dự đoán thiếu căn cứ về lượng phát thải trong tương lai của các nước đang phát triển; 3.) Tự phân chia các nhóm mới, chẳng hạn như việc tách biệt nhóm “các nước đang phát triển tiến bộ hơn” (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin); 4.) Yêu cầu các nước đang phát triển phải mày mò cách thức tăng trưởng nền kinh tế cac-bon thấp mà không có hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và phát triển năng lực; 5.) Xây dựng đường chi phí biên chống ô nhiễm một cách thiếu cơ sở.

Vấn đề là ở chỗ các công nghệ năng lượng hiệu suất cao không có nghĩa là miễn phí, và các nước phát triển – những nước có trách nhiệm trước tiên đối với vấn đề nóng lên toàn cầu – không hề đầu tư cho các nước đang phát triển bất chấp những lời hứa hẹn về hiệu quả của những công nghệ này.

Ông Shyam Saran, chuyên gia cao cấp của Ấn Độ về BĐKH, nhấn mạnh trước hội nghị đề xuất của Ấn Độ về việc Cơ quan giám sát khí hậu của Liên Hợp Quốc nên thành lập các “Trung tâm đổi mới” để thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Tiến sĩ Ajay Mathur, Phụ trách Văn phòng hiệu suất năng lượng Delhi, lấy ví dụ về việc sản xuất bóng đèn tiêt kiệm năng lượng LED tại Ấn Độ. Bóng đèn này đã ra mắt từ ngày 28/3, do một công ty Hà Lan thiết kế và được sản xuất ngay tại Ấn Độ. Nếu toàn bộ người dân Ấn Độ thay bóng đèn bình thường bằng bóng LED, quốc gia này sẽ tiết kiệm được 56 tỉ kWh điện, giảm phát thải 44 triệu tấn khí thải cac-bô-nic, tương đương với việc trồng 140 triệu cây xanh.

Tuy nhiên, khó khăn nằm ở giá thành. Chi phí sản xuất một bóng LED là 1.200 rupi, tức khoảng 24 USD trong khi một bóng đèn thông thường tương đương chỉ tốn 0,3 USD. Ông cho biết: “Dĩ nhiên chúng tôi khuyến khích và sẽ chấp nhận công nghệ mới này, tuy nhiên nó chỉ có thể phát huy nếu được sự hỗ trợ từ các thiết chế toàn cầu, như “Trung tâm đổi mới” đã được đề xuất”.

“Trong tình hình khủng hoảng tài chính hiện thời, giá của các chứng chỉ giảm phát thải bị tụt giảm trên thị trường cac-bon quốc tế nhưng về dài hạn cần bình ổn ở khoảng 8 Euro. Điều này có thể đạt được bằng việc sử dụng công nghệ mới mà không cần đến trợ cấp.” – Tiến sĩ Mathur nhận xét – “Cách duy nhất để giảm lượng khí thải đi một nửa là tiến hành chuyển giao công nghệ hàng loạt”.

Điều Ấn Độ và các nước đang phát triển khác lo ngại là họ không muốn rơi vào tình cảnh bị “bóc lột thương mại” trên thị trường quốc tế sau khi du nhập những công nghệ mới, nói một cách khác, họ không muốn biến mình thành nơi thử nghiệm cho các kế hoạch thí điểm.