Cá nuôi tăng, cá tự nhiên cạn kiệt

ThienNhien.Net – Năm 2006, sản lượng thủy hải sản trên toàn thế giới đạt gần 160 triệu tấn. Sự tăng trưởng ở các năm trước chủ yếu là do sản lượng cá nuôi đã tăng thêm trên 3 triệu tấn mỗi năm trong 10 năm qua. Ngược lại, hai năm qua sản lượng đánh bắt cá tự nhiên đã sụt giảm chỉ còn 4 triệu tấn, thấp hơn cả năm 2003.

Gam màu xám về tình hình đánh bắt

Khoảng 75% sản lượng cá đánh bắt và chế biến mỗi năm là nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Xét trên quy mô toàn cầu sản lượng này tương đương với khoảng 16,5 kg tăng thêm trên một đầu người. Năm 2004, cá chính là nguồn cung cấp trên 20% protein từ động vật cho hơn 2,6 tỉ người.

Cá là thức ăn chính trong khẩu phần của người Trung Quốc, với mức tiêu thụ trung bình mỗi năm khoảng 25,8 kg/ người, trong khi ở Châu Phi con số này chỉ là 8,2 kg. Trung bình mỗi năm một người dân ở Bắc và Trung Mỹ tiêu thụ 18,6 kg cá, còn với người châu Âu là 19,9 kg cá. Không có gì ngạc nhiên khi người dân sống gần các khu vực bờ biển có mức cá tiêu thụ nhiều hơn. Tại châu Đại Dương, mức tiêu thụ trung bình là 23,5 kg.

Ngay trong cùng lục địa, sự chênh lệnh lượng cá tiêu thụ trung bình giữa các quốc gia cũng khá phổ biến: Ở Mỹ, mức cá tiêu thụ trung bình là 24,2 kg trong khi Mê-hi-cô chỉ là 11,6 kg. Ở Tây Ban Nha, con số này lên tới 42,9 kg và ở Pháp là 34,3 kg; 29,5 kg ở Thụy Điển và 19,8 kg ở Anh.

Trong vòng mười năm trở lại đây có tới tám năm sản lượng thủy hải sản trên toàn thế giới tăng chậm hơn so với sản lượng thịt. Tuy nhiên ngành thủy sản vẫn tăng trưởng nhanh hơn tất cả các ngành thực phẩm từ động vật khác, với tốc độ tăng trưởng khoảng 8,6% trong gần 3 thập kỷ qua, cao hơn so với 2,8% của ngành thịt cùng kỳ. Các nghiên cứu cho thấy nhu cầu về thủy sản sẽ tăng đều cùng với mức tăng dân số và thu nhập, đặc biệt khi người dân ở các quốc gia đang phát triển tăng mức chi tiêu cho thực phẩm có nguồn gốc động vật.

15 năm qua, nguồn thủy hải sản thế giới tương đối ổn định: khoảng 50% được khai thác với công suất tối đa, 25 % dưới công suất và 25% còn lại hiện ở trong tình trạng bị khai thác quá mức đến cạn kiệt và đang được phục hồi. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc ước tính rằng lượng cá tự nhiên bị khai thác đã lên tới đỉnh điểm. Hầu hết nguồn dự trữ của 10 loài cá được đánh bắt nhiều nhất hiện nay đã bị khai thác triệt để hoặc quá mức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả những vùng có lượng cá ổn định nhất sản lượng cũng đang sụt giảm dần, đặc biệt là các loài cá có giá trị như cá ngừ.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm tới hơn 90% sản lượng thủy hải sản của cả thế giới. Dẫn đầu hiện nay vẫn là Trung Quốc với sản lượng đạt 45 triệu tấn năm 2006 – tương đương 70% sản lượng và hơn một nửa tổng giá trị thủy hải sản toàn cầu. Đứng kế sau là Ấn Độ với trên 3 triệu tấn. Quốc gia duy nhất nằm ngoài khu vực này được lọt vào Top 10 là Chi-lê.
Ngành nuôi trồng lên ngôi
Trong khi việc đánh bắt tự nhiên đang gặp phải sự sụt giảm đáng kể thì ngành nuôi trồng thủy hải sản lại cho thấy những tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Tại Trung Quốc, trên ¾ nguồn cung cá là từ cá nuôi, trong khi trung bình cả thế giới con số này là 20% và đang có xu hướng tăng lên. Các quốc gia châu Phi nằm gần Sahara có triển vọng rất lớn do lợi thế về nguồn nước sạch và đất đai chưa bị khai thác.

Trước đây, phần lớn công việc nuôi trồng thủy hải sản tập trung vào các loài nằm ở vị trí tương đối thấp trong chuỗi thức ăn, bao gồm tảo, ngao sò, hến, và các loài ăn cỏ hoặc ăn tạp như cá chép. Tuy nhiên xu hướng hiện nay cho thấy các loài ăn thịt như cua, cá hồi đang có xu hướng tăng nhanh và mạnh, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên.

Dưới tác động của xu thế này, ngành nuôi trồng thủy hải sản tăng trưởng đã làm tăng sản lượng dầu và bột cá của thế giới. Đến gần đây bột và dầu cá mới chỉ được sử dụng làm thức ăn chủ yếu trong chăn nuôi lợn và các loài gia cầm; hiện nay 50% cá bột và 87% dầu cá được sử dụng trong ngành thủy sản. Vào năm 1948, chỉ có 7,7 % sản lượng cá đánh bắt tự nhiên được sử dụng để chế biến cá thịt và dầu cá, nhưng hiện nay tỉ lệ này đã đạt tới 37%. Do phụ thuộc rất nhiều vào nghề nuôi trồng thủy hải sản nên việc gia tăng sản lượng bột cá và dầu cá trên quy mô lớn là rất khó.

Việc sử dụng cá bột và dầu cá trong ngành nuôi trồng thủy hải sản đã đặt ra những vấn đề về môi trường và sức khỏe. Quá trình này làm tăng hàm lượng chất độc hại tìm thấy trong cá, bao gồm carcinogen dioxit, vốn được tích tụ dần trong chuỗi thức ăn và truyền sang cho người tiêu dùng khi ăn phải cá nhiễm độc. Tình trạng này dễ dàng nhận thấy trong cá hồi nuôi, chúng có hàm lượng chất độc hại cao hơn hẳn so với các cá thể trong tự nhiên. Thủy ngân cũng là một loại chất độc hại tích tụ trong cá, và đặc biệt nguy hại với trẻ em.

Sự phụ thuộc vào cá bột cũng làm giảm hiệu quả nuôi trồng, trong khi việc sản xuất các thức ăn từ cá tốn năng lượng hơn nhiều so với thức ăn có nguồn gốc thực vật. Khi nuôi cá hồi, tới 90% năng lượng đầu vào là nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho chúng. Quả thực, nuôi cá hồi cần lượng protein cao gấp 5 lần so với nuôi ngao sò.

Bản thân nghề nuôi cá đã là một tác nhân quan trọng gây ô nhiễm nguồn nước, do ni-tơ và các loại dưỡng chất với hàm lượng quá cao có thể gây độc hại, nguy hiểm cho cả khu vực. Do người nuôi muốn tối đa hóa lợi nhuận, cá thường được nuôi với mật độ dày, nên cần phải sử dụng kháng sinh và các loại thuốc đặc trị khác. Nguy hiểm là ở chỗ phần lớn những thuốc này đều bị phân hủy trong nước.
Giải pháp thay thế?
Vấn đề này đã khiến các nhà nghiên cứu và ngư dân phải cân nhắc đến các giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường mà vẫn tăng sản lượng. Ví dụ, chăn nuôi thủy sản tổng hợp theo mô hình hệ sinh thái, nuôi kết hợp các loài cá, sò và cây thủy sinh để làm sạch nước và cung cấp nguồn thức ăn bền vững. Nuôi trồng thủy sản tổng hợp đã được áp dụng chủ yếu tại các khu vực đô thị nhằm lấy thức ăn đồng thời xử lý rác do con người thải ra.

Nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực cùng với việc dân số thế giới tăng nhanh khiến cho sản lượng hải sản sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu phát triển. Cá rất giàu dinh dưỡng và là nguồn cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất, protein ngay cả chỉ với một lượng nhỏ. Cuộc điều tra mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy nuôi cá ở quy mô nhỏ vẫn giúp người dân trang trải cuộc sống, nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm, tăng nguồn cung thức ăn. Tuy nhiên cần phải sản xuất và khai thác một cách cân đối. Việc đánh bắt quá mức sẽ dẫn tới nghèo đói, thất nghiệp và làm mất đi nguồn thu nhập quan trọng tại các quốc gia đang phát triển.