Tài nguyên thiên nhiên và của cải xã hội

ThienNhien.Net – Với những quốc gia nghèo, nguồn lực tri thức còn hạn chế, chưa sở hữu những bản quyền công nghệ tiên tiến, nội lực tài chính hạn hẹp, tài nguyên thiên nhiên trở thành một trong những chỗ dựa quan trọng trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế. Dựa vào khai thác tài nguyên để tạo động lực phát triển có thể hiểu được ở tầm ngắn hạn. Tuy nhiên, liệu những quốc gia như Việt Nam có thể đạt đến mục tiêu “phát triển bền vững” về dài hạn hay không khi phải phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên? Có những lựa chọn nào cho phát triển nếu muốn bảo đảm nguyên tắc “bảo vệ thiên nhiên” trong hành trình phát triển bền vững? Hay mục tiêu “phát triển bền vững” là quá xa vời đối với những quốc gia giàu tài nguyên nhưng nền kinh tế còn nghèo nàn?

Nguồn lợi và vốn thiên nhiênLời nguyền tài nguyên

Tài nguyên của mỗi quốc gia vốn là “của trời cho”. Có những quốc gia may mắn hơn những quốc gia khác khi được sinh sống trên những vùng đất giàu có tài nguyên. Thế nhưng không phải quốc gia nào có nhiều tài nguyên cũng trở nên giàu có.

Tài nguyên thiên nhiên là dạng hàng hóa đặc biệt bởi chúng không phải đi qua quá trình sản xuất. Nếu được quản lý tốt, tài nguyên sẽ sản sinh lợi tức. Với nhiều quốc gia, khoản lợi tức này đóng góp rất lớn vào nguồn tài chính phục vụ phát triển đất nước. Song bên cạnh đó cũng có những quốc gia sống dựa vào việc bán rẻ tài nguyên và bị kìm hãm trong “lời nguyền tài nguyên”.

Tài nguyên và tài sản quốc gia

Tài sản quốc gia bao gồm tài nguyên thiên nhiên, của cải tích lũy từ các hoạt động sản xuất và nguồn vốn con người.

Điều 17, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992, sửa đổi 2001) ghi rõ: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa và vùng trời… đều thuộc sở hữu toàn dân”.

Tài nguyên thiên nhiên, do đó, phải được quản lý và sử dụng để phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân. Tài nguyên không dành để phục vụ mục đích của cá nhân hoặc một nhóm lợi ích nào.

Kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng là nền tảng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của mỗi quốc gia. Chính bản thân mỗi quốc gia và người dân của họ phải xây dựng các hệ thống quản lý tài nguyên nhằm đảm bảo nguồn của cải này phục vụ cho lợi ích phát triển và ổn định của chính họ (Shankleman 2006).

Ở các đất nước có thu nhập thấp, vốn thiên nhiên chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu giá trị tài sản quốc gia. Ngược lại, ở các nước phát triển, vốn vô hình (nhân lực, tri thức, công nghệ….) chiếm tỉ trọng chủ yếu. Theo tính toán, vốn thiên nhiên chiếm khoảng 27% tổng giá trị tài sản quốc gia của Việt Nam – cùng nhóm các nước thu nhập thấp theo phân loại của Ngân hàng Thế giới. (Hồng, Hải et al. 2008)

Khai thác tài nguyên – Chuyển đổi loại hình của cải

Nguyên lý đơn giản của sự phát triển là tích lũy của cải. Nếu đầu tư không tạo ra khoản thặng dư tích lũy, các quốc gia không thể thoát khỏi tình trạng đói nghèo.

Điều khác biệt trong đầu tư vào khai thác tài nguyên ở chỗ đây không phải là hoạt động sản xuất mà là hoạt động chuyển đổi loại hình của cải. Của cải sau khi chuyển đổi phải được bảo toàn giá trị và sinh lời. Nếu không, chẳng khác gì bán tài sản để phục vụ chi tiêu. Khi đó, hoạt động khai thác lại làm đất nước nghèo đi chứ không hề giàu lên như mong đợi.

Khi chính phủ bắt đầu sử dụng nguồn thu từ tài nguyên thì một loạt vấn đề mới sẽ nảy sinh. Bởi một số loại tài nguyên như dầu mỏ và khoáng sản là không thể tái tạo được, việc sử dụng nguồn thu từ bán các loại hàng hóa này cho chi tiêu nên được hiểu là tiêu dùng bằng vốn hơn là tiêu dùng bằng thu nhập. Trong mỗi thời kỳ nhất định, nếu tất cả nguồn thu từ tài nguyên được đem ra chi tiêu hết thì tổng giá trị nguồn vốn của quốc gia đó nhất định bị giảm xuống. (Humphreys, Sachs et al. 2007)

Tài nguyên dưới lòng đất có thể chuyển hóa thành vàng, cơ sở hạ tầng, tiền, hoặc các loại hình tài sản khác trên mặt đất. Chiến lược thường được áp dụng để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn thu từ tài nguyên là chuyển hầu hết doanh thu thành tài sản dạng tiền, đầu tư vào nhiều loại chứng khoán khác nhau. Lãi thu về sẽ được xem như thu nhập có thể sử dụng.

Với bối cảnh các chương trình khai thác tài nguyên ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách cần xác định rõ quy trình chuyển đổi tài sản tài nguyên sang dạng tài sản khác và hoạt động đầu tư sinh lời từ dạng tài sản chuyển đổi đó. Liệu Chính phủ có bảo đảm bảo toàn và gia tăng tài sản hay sẽ làm tài sản bị “ăn mòn” do không kiểm soát được quá trình chuyển đổi này?

Tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên?

Tăng trưởng kinh tế nếu dựa phần lớn vào khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên sẽ không thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Như đánh giá của Ngân hàng Thế giới: “Tăng trưởng chỉ là ảo nếu dựa vào khai thác quá mức tài nguyên đất đai và khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên ngư nghiệp và lâm nghiệp” (Hamilton and World Bank 2006).

Khai thác tài nguyên thực chất không làm gia tăng của cải mà chỉ đơn thuần chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Tài sản thực sự chỉ tăng lên khi dạng của cải chuyển đổi từ tài nguyên sinh lời. Nếu nguồn thu từ tài nguyên được sử dụng để chi tiêu thì rõ ràng tài sản quốc gia bị giảm xuống. Như vậy, trong trường hợp đó lý thuyết khai thác tài nguyên phục vụ tăng trưởng kinh tế là không đúng đắn.


Minh họa: EarthFirst

Bản thân nhiều quốc gia dầu mỏ đã và đang chuyển nguồn doanh thu từ khai thác sang các quỹ đầu tư nhằm chuyển hóa thành các dạng tài sản khác. Những tài sản này thông qua đầu tư vào các ngành sản xuất và dịch vụ ngoài khai thác tài nguyên, đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán v.v… sẽ sinh sôi nảy nở, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, gia tăng của cải quốc gia.

Cơm chưa ăn, gạo hãy còn
Việt
Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào hiện vẫn chưa khai thác
nhiều. Các loại khoáng sản được khai thác chủ yếu vẫn là dầu mỏ, khí
đốt và than, chiếm tỉ trọng 90% sản lượng ngành khai thác mỏ và khai
thác đá. Những nguồn tài nguyên chưa khai thác là tài sản dự trữ, mang
lại lợi thế về dài hạn cho đất nước và các thế hệ tương lai.
Khoáng sản (chủ yếu là dầu mỏ, khí thiên nhiên và than) chiếm đến 40% tỉ trọng trong tổng giá trị tài nguyên thiên nhiên. Đóng góp của khoáng sản có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua do giá cả thị trường của các tài nguyên này tăng và sản lượng khai thác nâng lên do có đầu tư sâu vào hoạt động thăm dò để phát hiện thêm nhiều mỏ mới. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo tiềm năng kinh tế của nguồn tài nguyên này do sự biến động của giá cả thị trường cũng như chi phí khai thác. (Hồng, Hải et al. 2008)

Chuyển đổi tài sản tiềm năng thành các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình khác (như tri thức, công nghệ, giáo dục) chỉ tối ưu khi chúng ta có khả năng làm chủ công nghệ và trao đổi được với mức giá cao nhất trên thị trường. Trong hiện trạng thế giới ngày càng đói tài nguyên, rõ ràng càng giữ gìn và quản lý tốt, chúng ta càng có lợi thế hơn so với các quốc gia khác về lâu dài. Chính vì thế, nhiều cường quốc đã và đang “khóa” kho tài sản của mình và chuyển hướng sang khai thác tài nguyên của các quốc gia khác.

Cũng có người cho rằng nếu không khai thác thì tài nguyên vẫn mãi nằm dưới lòng đất và cũng không có giá trị gì. Thực ra, cách tư duy này khá phổ biến do người ta thường quy đổi giá trị tài nguyên bằng giá trị kinh tế trực tiếp. Cách nghĩ giản đơn này không tính đến giá trị tích lũy của tài nguyên và các dịch vụ sinh thái mà bản thân tài nguyên mang lại.

Lựa chọn khác?

Những thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua chưa hẳn đã có thể trả lời được câu hỏi: Chúng ta hiện có đang đi trên con đường phát triển bền vững? Vốn thiên nhiên (chủ yếu từ tài nguyên đất nông nghiệp và khoáng sản) vẫn còn chiếm tỉ trọng lớn, trong khi vốn con người chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng.

Vậy có lựa chọn nào khác cho Việt Nam thực sự hướng đến phát triển bền vững?

Để sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước, chúng ta rất cần nâng cao tỉ trọng vốn con người. Tri thức và nguồn nhân lực tốt là yêu cầu cấp bách đáp ứng quản lý và áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến tài nguyên. Muốn nâng cao tỉ trọng vốn con người, nền giáo dục cần chú trọng vào đào tạo thực hành và cải thiện kỹ năng của nguồn nhân lực, bớt lý thuyết và giáo điều. Bên cạnh đó, nền khoa học cần chú trọng hơn đến những nghiên cứu, ứng dụng nhiên liệu và năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trong khi nguồn tài chính hiện rất dồi dào, khi các quốc gia khác đang có nhu cầu cho vay, chúng ta có thể sử dụng để đầu tư cho tương lai thông qua chấn hưng giáo dục và phát triển khoa học như một chiến lược phát triển bền vững.

Giá trị của tài nguyên có thể được bảo toàn và nâng cao hơn nếu chúng ta có được những công nghệ tiên tiến. Phụ thuộc công nghệ bên ngoài sẽ dẫn đến chảy máu tài nguyên khi chúng ta không có cách nào khác hơn xuất khẩu tài nguyên thô. Theo số liệu năm 2006, trong khi dầu thô của Việt Nam chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu thì đổi lại dầu tinh luyện và sắt thép đã chiếm 21,4 % giá trị nhập khẩu.

Trong nguồn vốn thiên nhiên, tài nguyên rừng – nguồn tài nguyên có thể tái sinh – mới chỉ đóng góp 9%. Giá trị tài nguyên gỗ và phi gỗ có thể được tăng lên đáng kể mà không làm kiệt quệ rừng nếu có đầu tư thích đáng vào cải thiện năng suất rừng sản xuất thông qua cải tiến công nghệ, quản lý và chính sách. Hiện tại, đầu tư cho lâm nghiệp vẫn còn nhỏ bé và chưa xứng với tiềm năng đất rừng.

Nhưng hơn hết, để phát triển bền vững cần có triết lý phát triển khác với hiện nay để mục tiêu “bền vững” là thực chất chứ không chỉ mang tính khẩu hiệu và trang trí. Và có lẽ chúng ta sẽ cần đến một sự thay đổi tư duy để có thể tính toán, quy đổi vốn thiên nhiên thành giá trị đúng đắn hơn. Nguồn vốn thiên nhiên thực sự đang bị định giá quá thấp!


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Hamilton, K. and World Bank (2006). Where is the wealth of nations? : measuring capital for the 21st century. Washington, DC.
  • Hồng, V. X. N., N. M. Hải, et al. (2008). Hoạch toán giá trị tài sản của Việt Nam: Vai trò của tài nguyên thiên nhiên, CIEM – DoE: 43.
  • Humphreys, M., J. Sachs, et al. (2007). Escaping the resource curse. New York, Columbia University Press.
  • Shankleman, J. (2006). Managing Natural Resource Wealth. Stabilization and Reconstruction Series. Washington D.C, United States Institute of Peace: 12.