Quy định hoạt động thanh tra tài nguyên và môi trường

ThienNhien.Net – Ngày 07/04, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tổ chức, hoạt động của thanh tra tài nguyên và môi trường gồm 7 chương, 28 điều. Theo Nghị định, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi chung là thanh tra Bộ) chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Nghị định nêu rõ thanh tra tài nguyên và môi trường là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng, thủy văn, đo đạc, bản đồ, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (gọi chung là tài nguyên và môi trường) theo quy định của pháp luật.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thanh tra tài nguyên và môi trường có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan khác trong việc thực hiện quyền thanh tra và phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Các đối tượng của thanh tra tài nguyên và môi trường là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó./.