Phía sau các dự án CDM thuỷ điện – Những điều đáng bàn

ThienNhien.Net – Đập thủy điện Xiaoxi của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại các chứng chỉ các-bon siêu lợi nhuận cho quốc gia này thông qua việc góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những con đập thuỷ điện như Xiaoxi liệu có thân thiện với môi trường như chúng được quảng bá không? Nhiều ý kiến đã phản bác điều này. Bên cạnh đó, dự án Xiaoxi còn vấp phải sự phản đối của 7.500 người dân địa phương bị mất nhà cửa ruộng vườn, phải di dời đi nơi khác để nhường chỗ cho công trình thuỷ điện.


Một người đàn ông 38 tuổi, một trong 7.500 người dân phải rời quê quán, cho biết: “Không ai quan tâm liệu chúng tôi có muốn chuyển đi hay không. Chính phủ chỉ đưa ra một thông báo rằng nhà cửa đất đai của chúng tôi sẽ bị phá để xây dựng thuỷ điện”. Những câu chuyện về di dời cưỡng ép như vậy không còn xa lạ ở Trung Quốc. Hàng trăm cộng đồng dân cư đã bị di chuyển tới nơi ở mới, nhường chỗ cho việc xây dựng nhà máy và đập thuỷ điện. Điều này đã dấy lên sự bất bình trong dân chúng và đôi khi là cả sự phản đối bằng bạo lực.

Những dự án này được xây dựng gắn với Cơ chế phát triển sạch (CDM) – một trong 3 cơ chế giảm phát thải được hình thành trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Thông qua CDM, các nước phát triển có thể trả tiền cho các nước đang phát triển để họ thay mình cắt giảm phát thải.

Các công ty ở các nước phát triển đã hưởng ứng ý tưởng trên bằng cách mua những tín dụng cácbon do Liên Hợp Quốc phát hành cho những dự án năng lượng sạch như đập Xiaoxi. Công ty điện RWE của Đức, nhà đầu tư xây dựng đập Xiaoxi, có trụ sở cách Trung Quốc hàng nghìn dặm, là một trong số đó.

Trung Quốc hiện có ít nhất 763 dự án thủy điện CDM đang chờ duyệt, trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 25 dự án mới. Đến năm 2012, ước tính chỉ riêng những dự án này sẽ tạo hơn 300 triệu “chứng chỉ giảm phát thải”, tức làm mỗi dự án giảm được khoảng 1 tấn cácbon. Ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái hiện nay, tổng số chứng chỉ cũng vẫn sẽ bán được 4 tỉ USD.

Tuy nhiên, tại thung lũng sông Zishui của Trung Quốc, nơi xây dựng đập Xiaoxi, điều mà những người nông dân nghèo khổ nơi đây quan tâm không phải là thị trường tài chính cácbon trị giá hàng tỉ USD mà là họ sẽ được đền bù bao nhiêu cho nhà cửa và ruộng vườn bị mất. Người dân Xiaoxi cho biết khi họ bị ép buộc dời đi để lấy mặt bằng xây dựng con đập và hồ chứa nước rộng hơn 4 dặm vuông vào năm 2005, các nhà chức trách bồi thường rất ít, và cưỡng chế thô bạo những gia đình đòi hỏi nhiều tiền đền bù hơn.

Công ty xây dựng đập tuyên bố rằng các kết quả điều tra địa phương cho thấy họ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người đối với dự án này, 97% trong số 212 đối tượng được hỏi đều nói họ hài lòng với số tiền bồi thường của họ. Song trên thực tế, những người dân được phỏng vấn ở Xiaoxi cho biết họ chưa từng được hỏi về vấn đề này. Nếu những lời chỉ trích trên là đúng, con đập này sẽ không chỉ làm người dân nông thôn Trung Quốc mà cả những người tiêu dùng điện ở Đức thất vọng.



Đập Xiaoxi không phải là trường hợp duy nhất. Những trường hợp tương tự đang xảy ra không những ở Trung Quốc mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hàng trăm dự án xây dựng nhà máy thủy điện đang xếp hàng chờ phê chuẩn để tạo ra chứng chỉ tín dụng cácbon xuất sang châu Âu, Nhật Bản, và sắp tới là Mỹ. Theo một báo cáo của chính phủ Mỹ, hệ thống buôn bán này chưa chắc đã tác động tích cực tới việc giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Giáo sư Michael Wara thuộc Đại học Stanford: “CDM là một sự hỗ trợ không cần thiết, một sự hoang phí lớn đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước đang phát triển”.

Những dự án kiểu như vậy “sẽ cho phép những công ty độc quyền” – ví dụ như RWE – “tăng lượng phát thải mà không có một sự giảm phát thải tương ứng ở các quốc gia đang phát triển,” Văn phòng kế toán chính phủ Mĩ (GAO) cho biết trong bản tổng kết tháng 12. Các nhà điều tra GAO còn cho biết họ nhận thấy những người môi giới thường thao túng báo cáo để quan trọng hoá CDM và cho rằng một số lượng lớn các dự án không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể được thông qua.

Tuy nhiên, những người ủng hộ cơ chế này cho rằng nó rất quan trọng cho những nước tập trung mạnh vào phát triển nền công nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của nghị định thư Kyoto, và cho biết những tiêu chuẩn của CDM đang ngày càng được thắt chặt hơn.

Họ còn lập luận rằng kế hoạch xây dựng thủy điện từ lâu đã nằm trong định hướng chiến lược của Trung Quốc. Từ những năm 1990 – rất lâu trước khi có CDM – Trung Quốc đã sản xuất thêm khoảng 7,7 gigawat thủy điện hàng năm. Nói cách khác, những nhà hoạch định dự án Trung Quốc đã không ngẫu nhiên thay những công trình nhiệt điện sử dụng than, tạo nhiều khí thải bằng những con đập không thải ra các khí độc hại.

Christiana Figueres, Cựu nhân viên người Costa Rica của Hội đồng giám sát CDM, cho rằng việc khuyến khích Trung Quốc – nước có nhiều công trình nhiệt điện thải ra nhiều CO2 nhất thế giới – xây dựng những công trình năng lượng sạch là cực kì cần thiết. Bà cũng không tán đồng ý kiến của một số nhà phê bình cho rằng nói chung các con đập thường làm tổn hại đến môi trường. Bà nói: “Chúng ta không thể tiếp tục làm xấu hình ảnh của hệ thống thủy điện.”

Khi lượng CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng đến mức kỉ lục và đe doạ toàn, hệ thống của CDM ngày càng mở rộng với con số 4.364 dự án trên toàn thế giới đã và đang chờ được thông qua, trong đó có ¼ là các công trình thuỷ điện.

Tại Xiaoxi, nơi mà dự án vẫn đang trong quá trình chờ đợi sự chấp thuận  từ Liên Hiệp Quốc, việc thi công đập ngăn nước đã tạo ra một tiếng vang lớn về mặt kinh tế, nhưng điều này chỉ là tạm thời và vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của mọi người. Một nhóm người dân vẫn đang hy vọng được chính quyền phản hồi về mong muốn được đền bù những tổn thất trong sinh hoạt của họ.