Phát hiện thêm 9 loài tại rừng ngập mặn Cần Giờ

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới vừa phát hiện thêm 9 loài mới ở rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, họ còn cho biết, cá sấu hoa cà, rắn đai lớn, rắn ri cóc không còn ở đây.

9 loài lưỡng cư – bò sát mới được các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới phát hiện có ở Cần Giờ là: cóc nước mác ten, chàng xanh, thạch sùng lá đen, nhông xám, rắn roi mõm nhọn, rắn roi thường, rắn bông súng, rắn ráo thường, rắn hổ hành.

Đây là kết quả đề tài khoa học “Diễn biến đa dạng sinh học lưỡng cư – bò sát tại khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ”. Nghiên cứu này thực hiện trong thời gian từ tháng 09/2006 đến tháng 03/2008, do ông Nguyễn Ngọc Sang, Viện Sinh học Nhiệt đới làm chủ nhiệm đề tài .

Để có kết quả này, những người thực hiện đề tài đã tiến hành 5 cuộc khảo sát (mỗi cuộc khảo sát 7 ngày) tại Cần Giờ. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy có 3 loài rắn đai lớn, rắn ri cóc và cá sấu hoa cà vốn có nhiều ở Cần Giờ hiện không còn trong khu vực này.

Trước chiến tranh, Cần Giờ thuộc tỉnh Đồng Nai, là khu rừng ngập mặn với quần thể động thực vật phong phú. Nhưng trong chiến tranh bom đạn và chất độc hóa học đã làm nơi đây trở thành “vùng đất chết”.

Năm 1979 UBND TP. Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ. Ngày 21/01/2000, khu rừng này đã được Chương trình Con người và Sinh quyển – MAB của UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.