Về với quê cha đất tổ

ThienNhien.net – “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Dù ai buôn bán gần xa/Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mồng mười”. Nằm ở một vị trí khá đặc biệt, nơi hội tụ của ba dòng sông lớn: Sông Hồng, sông Ðà, sông Lô, đồng thời còn là đỉnh của tam giác đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, Việt Trì (Phú Thọ) còn được gọi là "Thành phố ngã ba sông". Chính từ đây, các cộng đồng dân tộc Việt đã mở đầu công cuộc dựng nước với thời đại Hùng Vương huy hoàng trong lịch sử. Hiện nay, Việt Trì đang được quy hoạch xây dựng trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Xưa kia, Vua Hùng đã chọn đất đóng đô với vị thế địa linh, nơi hội tụ của ba con sông lớn, hai bên có dãy Tản Viên – Tam Đảo chầu về, nơi tụ nhân, tụ đức và tụ thuỷ. Việt Trì – vùng đất cố đô, nơi các Vua Hùng dựng nghiệp sơn hà, miền đất cội nguồn của dân tộc có từ buổi bình minh dựng nước, mảnh đất chứa đầy huyền thoại với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Nơi đây ẩn chứa những dấu tích từ thuở sơ khai cùng các tầng văn hoá đan xen, đa mầu sắc cùng những cảnh đẹp lãng mạng và kỳ thú.

Việt Trì – Phú Thọ luôn là tâm điểm thu hút bao công trình của các nhà nghiên khoa học, lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, trên mảnh đất này còn bảo tồn và lưu giữ được nhiều lễ hội đặc sắc mang yếu tố tâm linh gắn liền với thời kỳ dựng nước – thời đại các Vua Hùng, thờ tự các Vua Hùng, tướng lĩnh, lạc hầu lạc tướng, cùng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc và độc đáo như: Lê hội Đền Hùng, lễ hội bơi chải Bạch Hạc, lễ hội giã bánh dày, lễ hội hát Xoan – Kim Đức, lễ hội tịch điền, lễ hội cướp bông, ném chài Vân Luông – Vân Phú… Cùng các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm giá trị nghệ thuật như: Quần thể di tích phường Bạch Hạc, Quần thể di tích phường Dữu Lâu, Di tích lịch sử quốc gia đình Hùng Lô, Quần thể di tích xã Kim Đức, Di tích khảo cổ quốc gia Làng Cả, Đàn tịch điền Minh Nông …Không gian văn hóa của Việt Trì trong quá khứ thể hiện ở cả những tên đất, tên làng, các truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội và tâm linh gắn liền thời đại Hùng Vương lưu truyền trong dân gian qua các thế hệ và hiện thân vào việc minh chứng cho sự tồn tại của lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc.

Núi Nghĩa Lĩnh là nơi Vua Hùng tế trời và bàn việc nước. Gò Mã Lao (Minh Nông) là bãi tập để Vua Hùng luyện quân cưỡi ngựa, bắn cung. Làng Minh Nông, chợ Lú – làng Nú là nơi Vua dạy dân cấy lúa. Lâu Thượng, Lâu Hạ là nơi ở của vợ con Vua; ruộng Trầm (làng Trầm Dữu Lâu) để Vua trồng lúa nếp thơm làm bánh trưng, bánh dầy; Thậm Thình giã gạo làm bánh dâng Vua cúng tế đất trời, tiên tổ. Tiên Cát là nơi Vua Hùng thứ 18 dựng lầu kén rể; bến Gót có hòn đá in dấu chân Tiên ông; Dữu Lâu có làng trồng trầu cho Vua… Cùng các dấu tích này là hệ thống các lễ hội đặc sắc, sống động, mang đậm yếu tố tâm linh gắn với thời kỳ dựng nước, làm nên dáng dấp đặc trưng của Việt Trì – thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Giỗ tổ Vua Hùng đã trở thành một truyền thống được tổ chức hàng năm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện nét đẹp trong phong cách, tâm hồn của người Việt Nam. Năm nay các hoạt động trong dịp Giỗ tổ được gắn với Chương trình “Du lịch về cội nguồn 2009” bằng nhiều hoạt động diễn ra như Hội trại văn hóa và trình diễn các diễn xướng dân gian (đánh trống đồng, múa sư tử, hát xoan, hát ghẹo, múa trống đu); trưng bày hiện vật thời đại Hùng Vương và triển lãm ảnh 15 tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc; thi đấu thể thao với các môn như bóng chuyền, bắn nỏ, cờ tướng, vật dân tộc; thi gói và nấu bánh chưng, giã bánh dày; bắn pháo hoa.