Nghệ An: Sông Đào muôn màu… ô nhiễm

ThienNhien.Net – Là một con sông nhân tạo, được hình thành từ thời thuộc Pháp, sông Đào bắt nguồn từ Thị trấn Nam Đàn, chảy đến huyện Hưng Nguyên chia thành hai nhánh: một nhánh chảy về Vinh (đổ ra Bara Bến Thủy), nhánh còn lại chảy về hướng huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò (đổ ra Bara Nghi Quang, Cửa Lò). Với lưu lượng gần 33m3 nước/giây, sông Đào có chức năng phục vụ tưới tiêu cho khoảng 33.000 ha đồng ruộng, phục vụ nước sinh hoạt dân sinh và ngăn lũ cho các địa phương nói trên. Đồng thời sông còn có chức năng điều hòa không khí và đáp ứng một phần nhu cầu vận tải. Được hình thành với những lợi ích thiết thực, nhưng thời gian gần đây sông Đào đang bị con người hàng ngày "đầu độc" bằng cách xả nước thải sinh hoạt và các loại rác một cách bừa bãi. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì môi trường của con sông này có nguy cơ bị "khai tử".

Bẩn… từng xăng ti mét

Khúc sông Đào chảy qua địa phận huyện Nam Đàn, chỉ vượt qua cửa Bara chừng 50 m, tình trạng ô nhiễm bắt đầu hiển hiện. Qua các khu dân cư, đập vào mắt trước tiên là những đống rác khổng lồ nằm mấp mé bên bờ sông. Đủ cả, nào bao bóng, bì tải, giấy tờ, phế liệu… cứ thế ngổn ngang, chỉ cần một trận mưa rào những thứ phế thải ấy sẽ được cuốn xuống dòng sông, nhường mặt bằng cho chủ nhân “tập kết” đợt mới. Đó là chưa kể tới việc một số hộ dân ban ngày “tập kết” rác tại những đoạn sông vắng, chờ đến đêm sẽ ra đẩy tất cả xuống sông. Cứ thế, nhà này đến nhà khác, năm này sang năm khác không biết con sông Đào phải oằn mình chở bao nhiêu tấn rác thải gây ô nhiễm môi trường. Giữa dòng, nước sông Đào có màu đen đục, lập lờ những chiếc bì căng phồng, cơ man nào là bao bóng, rồi thi thoảng xác súc vật thối rữa nổi lềnh bềnh…

Tại đây, nhiều hộ dân cư trú dọc hai bên bờ vẫn thường xuyên xả chất thải sinh hoạt ra sông. Từ khu vực nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi của các hộ này, hệ thống ống thoát nước với đầy đủ kích cỡ lớn bé được bắt trực tiếp xuống mặt sông. Thậm chí, có những gia đình lắp đặt tới 3- 4 vòi xả nước sinh hoạt ra sông. Từ các vòi xả ấy, nước màu đen đặc quánh cứ thế rỉ ra, chảy dọc bờ rồi tràn xuống sông hòa cùng với nước sông Đào vốn đã mang đủ màu ô nhiễm. Từ mặt sông xông lên những thứ mùi nồng nặc khiến ai đi ngang qua đều không khỏi rùng mình khi nghĩ đến cảnh bao nhiêu năm nay mình dùng nước sinh hoạt có nguồn gốc từ con sông này dù đã qua xử lý.

Anh Nguyễn Minh Hải, người sinh ra và lớn lên tại Thị trấn Nam Đàn, cho biết: “Khoảng 5-6 năm về trước, sông Đào vẫn còn sạch nên chúng tôi vẫn thường rủ nhau xuống tắm và bắt tôm, nhưng mấy năm gần đây tốc độ ô nhiễm thật kinh khủng, nếu theo đà này thì không bao lâu nữa sông Đào sẽ thành nơi chứa rác”.

Điều đáng nói là người dân sống hai bên bờ sông vẫn ra đây giặt giũ, thậm chí một số hộ còn bơm nước sông lên dùng làm nước sinh hoạt. Thử hỏi, nếu xuất hiện những trận dịch nguy hiểm như dịch tiêu chảy cấp hay H5N1 thì thực trạng kể trên sẽ dẫn tới hậu quả như thế nào? Ngoài tác động đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, việc người dân xả rác bừa bãi xuống sông còn làm ách tắc dòng chảy, gây khó khăn cho quá trình tưới, tiêu nước.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Hưng Trung, Trạm trưởng Trạm Bara Nam Đàn, đơn vị có nhiệm vụ quản lý đoạn sông Đào đi qua huyện Nam Đàn, cho biết: “Nhân viên của trạm thường xuyên trục vớt rác thải và nhắc nhở các hộ dân ven bờ không không đổ rác sông nhưng thật sự làm không xuể. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản tới Phòng Tài nguyên- Môi trường yêu cầu phối hợp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời”.

Hãy cứu lấy sông Đào!

Chúng ta biết dòng sông Tô Lịch một thời từng là niềm tự hào của người dân Hà Nội, nhưng lâu nay tình trạng ô nhiễm đã đến mức trầm trọng, gần như vô phương cứu chữa bởi sự vô tình của con người. Hay dòng sông Thị Vải ở Đồng Nai bị tập đoàn VeDan “đầu độc”, theo tính toán phải mất gần 10 năm và một khoản kinh phí lớn may ra dòng sông này mới có thể được “hồi sinh”. Vì thế, không thể do sự thiếu ý thức của một bộ phận nhỏ trong nhân nhân mà chúng ta để dòng sông Đào bị “khai tử”. Nói cách khác, bằng mọi cách phải cứu lấy sông Đào khi hãy còn chưa muộn.

Việc đầu tiên cần phải làm là chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam phối hợp với các cấp chính quyền, phòng Tài nguyên- Môi trường các địa phương có sông Đào đi qua và có tình trạng ô nhiễm nói trên huy động lực lượng trục vớt, thu gom và xử lý số lượng rác thải đang trôi nổi dọc sông và “tập kết” hai bên bờ. Các địa phương cần tổ chức ký cam kết, hướng dẫn nhân dân cư trú dọc sông xây dựng hệ thống công trình vệ sinh đúng quy trình xử lý chất thải sinh hoạt, không được phép thải trực tiếp và đổ rác sinh hoạt ra sông, nếu tiếp tục vi phạm sẽ có những hình thức xử phạt thích đáng. Nhất thiết phải thành lập đoàn thanh tra, trang bị phương tiện và thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần phát huy vai trò, sức mạnh của các ban ngành, đoàn thể (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh…) trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nói chung và ý thức giữ gìn môi trường trong sạch của sông Đào nói riêng.