Hải Phòng phấn đấu thành trung tâm thủy sản của Bắc Bộ

ThienNhien.Net – Với mục tiêu xây dựng thủy sản Hải Phòng thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng và bền vững dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế, áp dụng khoa học công nghệ, sản phẩm có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và quốc tế; phát triển đồng bộ, hiện đại các cơ sở hạ tầng dịch vụ – thương mại chế biến thủy sản, khoa học công nghệ và đào tạo nhằm phục vụ cho sự phát triển ngành thủy sản gắn liền công tác bảo vệ môi trường biển đảo; phấn đấu đến năm 2010, Hải Phòng thực sự là Trung tâm thủy sản vùng duyên hải Bắc Bộ như Nghị quyết số 32- NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Là một ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, những năm qua, kinh tế thủy sản của thành phố đã đạt được một số kết quả khá quan trọng. Trong giai đoạn 2001- 2007, sản lượng của ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,69%/năm; giá trị sản xuất có tốc độ tăng trưởng bình quân 13,34%/năm (khai thác tăng 10,35%/năm, nuôi trồng tăng 17,34%/năm); kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2007 đạt 70 triệu USD.

Hải Phòng là một trong những địa phương được thiên nhiên ban tặng với những lợi thế đặc biệt cho sự phát triển của ngành thủy sản: các địa điểm như huyện Cát Bà, nhất là vùng biển Cát Bà với hàng trăm đảo lớn nhỏ là những vùng, vịnh, gần ngư trường, thuận lợi cho việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần và chế biển hải sản, nơi neo đậu các tàu thuyền; huyện đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, với trữ lượng cá cho phép khai thác lớn, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng.

Ngoài ra, Hải Phòng còn có trên 23 nghìn ha bãi bồi ngập triều, trong đó có 9.000 ha bãi triều cao có thể nuôi trồng thủy sản và trên 5.000 ha mặt nước mặn xung quanh đảo Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ có điều kiện môi trường thuận lợi để nuôi đặc sản biển với công nghệ cao, thu hút nhiều lao động và tạo nguồn ngoại tệ như nuôi ngọc trai, tôm biển, cá song, tu hài.

Trữ lượng cá ở vùng biển Hải Phòng khoảng 157.500 tấn, chiếm 20% trữ lượng của vùng Vịnh Bắc Bộ, khả năng khai thác khoảng 70.000 tấn. Khoảng 20 loài mực sống trong vùng biển Hải Phòng đã được xác minh, trong đó 9 loài có giá trị kinh tế có trữ lượng ước tính khoảng 5.000 tấn, khả năng khai thác khoảng 2.000 tấn. Ngoài ra, còn có các loại nhuyễn thể khác như sò huyết, sò lông, bào ngư, hải sâm, cầu gai…

Với 124 km chiều dài bờ biển, 8 cửa sông lạch và vùng quần đảo rộng lớn, nghề cá ở Hải Phòng được hình thành, quy tụ dân cư dọc bờ biển Hải Phòng cũng là quá trình hình thành và phát triển của nghề cá. Sản lượng khai thác hải sản tăng khá nhanh, năm 2003 đạt 30.500 tấn, năm 2008 đạt 39.650 tấn, hiện tại có hơn 20 công ty TNHH, xí nghiệp tư nhân và 10 hợp tác tác xã. Toàn thành phố hiện có gần 800 tàu đánh cá, trong đó hơn 500 tàu được trang bị máy định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc và đo sâu, dò cá cùng với 34 tàu thu gom sản phẩm và dịch vụ hậu cần; có thể tổ chức đánh cá dài ngày trên biển với sản lượng trên 6.000 tấn có giâ trị đạt hơn 120 tỷ đồng đã góp phần đưa đời sống của ngư dân không ngừng được cải thiện.

Nuôi trồng thủy sản có bước phát triển khá mạnh, giá trị sản lượng tăng bình quân hàng năm từ 15- 20%, năm 2003 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 31.500 tấn, đến năm 20008 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 42.187 tấn. Với gần 20 cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống hàng năm cung cấp cho nuôi trồng thủy sản Hải Phòng và các tỉnh lân cận từ 700- 800 triệu cá giống, tôm rảo, tôm càng xanh và cua biển.

Lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản Hải Phòng đã được chú trọng, nâng cấp các cơ sở chế biến sẵn có đồng thời tích cực đầu tư xây dựng thêm một số nhà máy mới có công suất lớn, thiết bị hiện đại. Công tác phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm, đầu tư như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Đồ Sơn, Thủy Nguyên, Cửa Cấm được xây dựng và đưa vào hoạt động. Với những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, sự nỗ lực và cố gắng của mình, ngành Thủy sản Hải phòng đã được Nhà nước, Chính phủ và thành phố ghi nhận, khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.