Người đưa tôm thẻ chân trắng "vào" Cửa Lò

ThienNhien.Net – Nhìn cánh quạt gió xoay mạnh tạo sóng trên mặt nước trong xanh ở những đầm tôm mênh mông, thêm cảm nhận về những gì mà người nuôi tôm đã đổ vào đây với những niềm hy vọng. Qua gần một năm đưa con tôm thẻ chân trắng vào vùng đất Cửa Hội ( Cửa Lò), anh Thái Hữu Lộc (giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Lộc- Diễn Châu) đã chứng tỏ sự "liều lĩnh" của mình là hoàn toàn có cơ sở.

Trên vùng đất rộng hơn 4 ha vốn là của Xí nghiệp Thanh niên Cửa Hội, qua mấy năm nuôi tôm sú không hiệu quả, đã “để không” 3-4 năm nay. Bằng kinh nghiệm, anh Lộc đã nhìn ra những lợi ích kinh tế mà vùng đất này có thể đem lại. Tháng 04/2008, liên kết với Xí nghiệp Thanh niên Cửa Hội, nhận 3 ha đất bỏ hoang, anh đầu tư 1,5 tỷ đồng vào đào ao đầm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đưa giống tôm thẻ chân trắng vào thả. Sau gần một năm, qua 2 vụ tôm, dù cuối năm bị lỗ hàng trăm triệu đồng do đợt mưa kéo dài hàng tháng trời, anh Lộc vẫn thu về hơn 1 tỷ đồng, gần đủ vốn đầu tư ban đầu.

Ở Nghệ An, đến nay đã có nhiều vùng nuôi giống tôm có hiệu quả kinh tế khá cao này, như ở Diễn Châu, Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Hoà, Quỳnh Lưu, nhưng nuôi ở mật độ cao như anh Lộc là còn hiếm. Sở dĩ có thể nuôi ở mật độ cao như thế, là nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khoa học. Hệ thống xử lý các chất cặn bã trong ao nuôi khá hiện đại với các hệ thống tự hút, tự xả chất thải. Ao nuôi được trải bạt từ đáy đến tận bờ, mỗi ao có 4 dàn quạt nước, tạo các xoáy nước, vừa lấy ôxy từ ngoài vào, vừa tạo sóng, đẩy những chất cặn bã vào ống hút, xả.

Cứ 3 ngày một lần, sau khi dùng hệ thống quạt khuấy cho chất cặn bã nhóm lại, công nhân chỉ cần nhấn nút điều khiển, “xiphông’ đẩy chất cặn thoát ra ngoài. Ngoài ra, là một hệ thống đường ngầm dẫn nước trực tiếp từ biển vào, qua xử lý là có thể thả tôm. Ngoài trạm phát điện, máy nổ công suất cao, anh Lộc còn đầu tư thêm hàng chục bình ôxy dẫn ngầm đến từng ao, khi cần thiết sẽ bấm nút vận hành, đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho tôm phòng khi mất điện lưới.

Hiện tại đang là mùa thả tôm. Dùng vợt vớt lên, những con tôm nhỏ nhảy tí tách trong lưới, nhanh thoăn thoắt. Anh Lộc cho biết, một ao vừa được thả cách đây hơn 2 tuần với 1 triệu con giống, sau đó sẽ san bớt sang các ao còn lại. 8 ao nuôi tôm, mỗi ao anh thả khoảng 50 vạn con giống, sau hơn 3 tháng, nếu thuận lợi, sẽ thu về khoảng 2,5- 3 tấn tôm/ao, tính ra mỗi ha anh thu về khoảng 20 tấn tôm thương phẩm.

Như năm 2008, bắt đầu nuôi theo kiểu cuốn chiếu, vụ đầu tiên anh thu được 21 tấn tôm, thì trong đó, riêng phục vụ cho khách du lịch ở Cửa Lò đã là 17 tấn, còn lại là khách từ Hà Nội, Hải Phòng… vào lấy. Thời điểm này, anh Lộc đã thả được 4 ao nuôi với 2 triệu con giống, hiện tại, công nhân của anh đang tiến hành xử lý nước và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khoảng ngày 20/03 sẽ tiếp tục thả ở các ao còn lại. Thả “cuốn chiếu” kiểu này, tôm sẽ có bán quanh năm.

Hỏi về bí quyết thành công, anh Lộc cho biết: Đáp ứng yêu cầu đầu tư hạ tầng đồng bộ và khoa học, đòi hỏi phải tính toán đến từng chi tiết kỹ thuật, bởi nó sẽ góp phần quan trọng trong hạn chế được các rủi ro. Chỉ đơn giản như việc trải bạt, cũng phải làm sao để tấm bạt bằng phẳng, hay chuyện đào ao, không nên nuôi tôm trong đầm quá rộng, khó xử lý kỹ thuật, mỗi ao chỉ rộng khoảng 2.000- 2.500m2, góc ao không vuông mà phải tròn để dòng chảy xoáy vào khi tạo sóng, việc lắp đặt hệ thống xiphông cũng phải đúng kỹ thuật, độ dốc vừa phải vì nếu dốc quá sẽ dễ gây tắc chất cặn bã v.v..

Hiện tại, với 12 công nhân và 2 kỹ sư có kinh nghiệm ở cả Cửa Lò và Diễn Châu, với thu nhập bình quân của công nhân trên 2 triệu đồng/tháng, anh còn có thêm những dự định của tương lai, mong muốn tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhiều người. Hiện tại, dự án xây dựng một trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, khắc phục tình trạng phải vào tận các tỉnh phía nam mua tôm giống đã được phê duyệt, dự kiến cuối năm nay sẽ tiến hành xây dựng ở Diễn Châu.

Anh cũng ấp ủ dự định xây dựng một cánh đồng 15 ha nuôi giống tôm thẻ chân trắng ở Diễn Trung (Diễn Châu), hiện đang bỏ hoang 3-4 năm nay sau khi nuôi tôm sú không thành công, với mong muốn tạo một cách nhìn và cách làm mới trong phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở Nghệ An, tạo được vùng nguyên liệu tập trung, tạo sản phẩm hàng hoá xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong thị trường nội địa.