Phát triển nông thôn và môi trường sinh thái

ThienNhien.Net – Phát triển kinh tế – xã hội là đòi hỏi tất yếu. Những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam liên tục phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó, môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng bị ô nhiễm nặng nề.

Những thực trạng đáng báo động

Lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân/ha ở một số địa phương có mức độ thâm canh cao đã gây áp lực lớn cho môi trường đất. Sử dụng phân khoáng liên tục, không kết hợp bón phân hữu cơ có thể làm cho đất trở nên chua hóa nhanh, chai cứng, giảm năng suất cây trồng. Cùng với vấn đề thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tổng khối lượng chất thải chăn nuôi bình quân khoảng hơn 73 triệu tấn/năm (trong đó chất thải của trâu chiếm 21,9%, bò chiếm 32,5%, lợn chiếm 33,4%) cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn.

Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi mà tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát, thiếu quy hoạch, thức ăn thừa không được xử lý, việc sử dụng kháng sinh tùy tiện cũng dẫn tới ô nhiễm môi trường xảy ra nghiêm trọng ở một số nơi. Một số diện tích đất mặn được ngọt hóa trong nhiều năm để trồng lúa, chỉ sau hai đến ba năm nuôi trồng thủy sản đã mặn hóa trở lại, khi năng suất nuôi thủy sản bị giảm sút mạnh thì đành để hoang hóa trở lại (số diện tích này nhiều nhất ở tỉnh Cà Mau).

Ðáng chú ý, vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất hiện nay ở khu vực nông nghiệp, nông thôn là các làng nghề. Cả nước có khoảng 1.450 làng nghề phân bố ở 58 tỉnh, thành phố trong cả nước, riêng vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng 800 làng. Trong đó, làng chế biến nông sản thực phẩm là loại hình làng nghề có nhu cầu nước rất lớn và thải ra lượng nước thải hữu cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong các loại chất thải, nước thải trong chế biến thủy sản có hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ cao nhất, các chỉ tiêu BOD5, tổng Nitơ và Coliform cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ vài lần, đến hàng trăm lần…

Tài nguyên rừng ngày một suy giảm, khả năng ngăn lũ ngày càng kém và phục hồi chậm. Ước tính mỗi năm nước ta thiệt hại hàng chục tỉ đồng do thiên tai gây ra mà nguồn gốc chính là do chặt phá rừng bừa bãi.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho môi trường nông thôn ô nhiễm vẫn là nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn chưa cao. Vì lợi ích kinh tế trước mắt, những người dân này sẵn sàng thay đổi tính truyền thống của bản địa vốn dĩ rất phù hợp với lợi ích sinh thái. Hệ quả là thiên tai, bệnh dịch ngày một gia tăng về tần suất và cường độ.

Cần giải pháp hữu hiệu

Việc trước tiên cần xây dựng là chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn, đồng thời cụ thể hóa những điều luật bảo vệ môi trường. Trong phát triển lâu dài và bền vững, ngành nông nghiệp cần triển khai thực hiện việc lập và thẩm định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án thuộc ngành. Xây dựng được các mô hình nông thôn phát triển và bảo đảm vệ sinh, xử lý các điểm nóng ô nhiễm, suy thoái môi trường nông nghiệp, nông thôn. Cảnh báo, ngăn chặn kịp thời việc phát sinh các điểm nóng ô nhiễm, suy thoái môi trường nông nghiệp, nông thôn. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường.

Cần đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp khoa học nhằm xử lý bằng cách tận dụng, tái sử dụng nguồn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho mọi người cũng có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả, bền vững.