Doanh nghiệp Đông Nam Á trước sự biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu sẽ gây ra những thách thức to lớn cho các doanh nghiệp và các nhà cung cấp ở Đông Nam Á. Do vậy sự “thích nghi” của các doanh nghiệp hay các nhà cung cấp này là vô cùng quan trọng trong tình cảnh hiện nay. Vấn đề này đã đề cập đến trong bản báo cáo “Các doanh nghiệp Đông Nam Á trong sự thích nghi với biến đổi khí hậu” tại một hội nghị tổ chức vào trung tuần tháng 1/2009 tại Bangkok, Thái Lan.

Một nhà kinh doanh người Philippin, Alfonso Gamboa, đã tìm ra giải pháp mới để phục hồi dây chuyền sản xuất của công ty chế biến thực phẩm trước tình trạng thiếu hụt cua xanh bằng cách thuyết phục các nhà cung cấp bắt cua bằng rổ thay vì dùng lưới móc. Việc dùng lưới móc gây hại cho loài tôm cua và làm uổng phí một phần lượng cua đánh bắt được. Trong khi dùng rổ không những làm tăng nguồn cung cấp, mà còn bảo vệ được số lượng cua đang bị suy giảm do sự biến đổi khí hậu đang làm cho nước biển ngày càng nóng lên.

Sunlabob – một công ty tư nhân ở Lào cũng có một giải pháp về năng lượng khi sử dụng năng lượng mặt trời, nước và nhiên liệu sinh học để sản xuất điện năng, cung cấp điện cho những vùng hẻo lánh.

Những điển hình này được dẫn chứng trong một bản báo cáo tại Hội nghị khung về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu vào trung tuần tháng 1/2009, thu hút gần 300 đại diện từ các công ty kinh doanh hàng đầu trong khu vực tham gia. Rất tiếc là những cố gắng thích nghi như trên không phổ biến ở những khu vực dễ bị tác động bởi thay đổi khí hậu. Các doanh nghiệp có nguy cơ cao từ tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang trong quá trình tìm kiếm các giải pháp kinh doanh “xanh”.

Thích nghi là một trong ba giải pháp chính trong chiến dịch toàn cầu đối phó với sự biến đổi khí hậu trái đất. Hai giải pháp còn lại là giảm thiểu và chuyển sang sử dụng công nghệ thân thiện môi trường.

Tổ chức phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), trong một cuốn sách mới xuất bản đã nhận xét: “Các khu vực tư nhân vẫn còn thích nghi rất chậm. Cho đến thời điểm này, so với khu vực công và tổ chức dân sự, các doanh nghiệp tư nhân vẫn ít quan tâm đến sự tác động của biến đổi khí hậu… Biến đổi khí hậu sẽ gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp và các nhà cung cấp ở Đông Nam Á. Sự tác động của khí hậu có thể ảnh hưởng đến công việc kinh doanh từ những rủi ro như hệ thống cung cấp hàng bị phá vỡ, cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

Tại Hội nghị, bà Sunita Narain, nhà môi trường học người Ấn Độ, giám đốc trung tâm Khoa học và môi trường, đã phát biểu: “Các công ty cần quán triệt tư tưởng làm mới nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi một phương thức làm việc mới… Chúng ta phải phân biệt giữa việc kinh doanh lạc hậu trước đây với xu hướng kinh doanh của tương lai. Chúng ta vẫn chưa hiểu được cán cân dịch chuyển kinh tế…”

Sự biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng hơn tới đời sống xã hội; những thảm họa tự nhiên như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng đã, đang và sẽ còn gây nhiều thiệt hại trong tương lai. Ở những thành phố lớn như Bangkok, Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Jakarta, những tổn thất do biến đổi khí hậu sẽ còn nghiêm trọng hơn. Bản báo cáo dẫn chứng: Manila đã đối mặt với tình trạng thường xuyên khan hiếm nước. Tháng 7 năm 2007, một đợt hạn hán đã làm thành phố thiếu nước trầm trọng, gây mất điện tạm thời. Các khu nghỉ dưỡng ở Phuket, Thái Lan cũng lâm vào cảnh tương tự. Họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước suốt mùa cao điểm, tạo ra sự căng thẳng giữa người dân địa phương và ngành du lịch.

Tại hội nghị, Kirk Herbertson thuộc Viện Tài nguyên Thế giới đã phát biểu: “Chúng ta đang ở giai đoạn mà những tác động của việc thay đổi khí hậu là không tránh khỏi, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Kinh doanh thương mại nên chấp nhận nguy cơ của việc thay đổi khí hậu cũng như đón nhận những cơ hội mà nó có thể tạo ra.”