Phát triển cây rau sắng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn

ThienNhien.Net _ Rau sắng là một trong những loài thực vật không những chỉ nâng cao tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng, mà nó còn là một loại cây cung cấp nguồn rau ăn rất tốt cho con người. Cây rau sắng đã tồn tại và phát triển từ hàng trăm năm nay tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ.

Rau sắng (Melientha suavis) là loại rau với lá non, đọt mầm hoặc chùm hoa lấy từ cây sắng, loại cây thuộc bộ Đàn hương.

Cây rau sắng là cây quý nhất trong 300 loài cây có thể làm rau ở Vườn quốc gia (VQG) Xuân Sơn. VQG Xuân Sơn có mật độ rau sắng mọc tự nhiên cao nhất Việt Nam bởi lợi thế về độ ẩm, độ cao và thổ nhưỡng.

Đây là loại cây thân gỗ nhỏ, cao chừng 13-15m, mọc trên núi đá vôi, cành rủ như cành liễu. Rau sắng cung cấp nguồn prôtêin và vitamin khá lớn, được dùng làm thực phẩm thay cho các loại rau. Không giống như các loại rau khác, rau sắng có tuổi thọ rất cao, có cây to nhất đường kính 40cm, tuổi thọ hơn ba chục năm.

Ngoài ngọn rau, bà con còn thường xuyên thu hái hoa, quả. Rau non màu vàng cốm, có vị ngọt với hàm lượng đạm và Vitamin C cao. Canh rau sắng giúp hồi sức cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh, đặc biệt là người bị sốt rét ác tính. Hoa sắng, quả non thái nhỏ nấu cháo rất tốt cho người già hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng.

Cây rau sắng còn là cây gỗ sống vài trăm năm có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan môi truờng.

Cây rau sắng có thể được nhân bằng hạt, hom rễ, có thể trồng phân tán, trồng xen vào các khu rừng tái sinh, hoặc trồng xen với cây ăn quả. Số lượng cây tái sinh có tới vài chục nghìn cây, nhưng những cây lớn có thể cho thu hái quả không nhiều.

Năm 2004, Vườn thu hái được 700kg quả sắng chín gieo ươm được 10.000 cây giống, năm 2005 đã thu hái được 7.000kg quả chín gieo ươm được 100.000 cây.

Việc nhân giống phát triển cây rau sắng ở Xuân Sơn mới chỉ là tự phát, chưa có điều kiện khai thác tri thức bản địa, kinh nghiệm cổ truyền và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển.

Hiện có khoảng 100 hộ có thu nhập từ rau sắng trong rừng. Có những nơi như ở xóm Hạ Bằng (xã Xuân Sơn), mỗi lần thu hoạch, người dân thu được 1tạ rau, với giá bán tại nơi thu mua từ 20.000- 30.000 đồng/kg.

Giá trị của cây rau sắng khá cao do đó ngày càng nhiều người đua nhau khai thác rau trong rừng một cách bừa bãi, đồng thời chưa có ý thức bảo vệ, khiến rau không kịp mọc chồi, bị mất giống, tỷ lệ nảy mầm thấp, thường bị sâu bệnh và chết.

Trước tình hình đó, để bảo tồn, phát triển cây rau quý này, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tài trợ 2,4 tỷ đồng cho VQG Xuân Sơn. Với số tiền này, năm 2005, Vườn đã tiến hành trồng thử nghiệm 50ha rau sắng và thu về 7 tấn quả chín (khoảng 140 triệu đồng). Từ nay đến năm 2010, VQG Xuân Sơn dự kiến sẽ phát triển 100ha rau sắng, trung bình mỗi hộ dân sẽ trồng từ 0,5ha trở lên.

Theo ông Trần Đăng Lâu, Giám đốc VQG Xuân Sơn, phát triển cây rau sắng rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Rau sắng không đòi hỏi phải chăm sóc đặc biệt, chỉ cần làm cỏ, bón phân, trồng cây che bóng. Một số địa phương khác như Cao Bằng, Ba Vì (Hà Tây), Quảng Ngãi đã đến học tập, đưa rau sắng về trồng.

Cũng theo ông Lâu, gần đây nhất, VQG Xuân Sơn còn chuyển giao công nghệ cho tỉnh Lâm Đồng trồng thử nghiệm hơn 1000m2 rau sắng tại Đà Lạt. Ông Lâu cho biết, loại rau này chỉ thực sự phát triển tốt nhất ở độ cao 300 – 900m (mọc tự nhiên ở 300 – 1.500m), độ ẩm bình quân trên 85%. Thu nhập từ cây rau sắng sẽ thực sự mở ra cho bà con nơi đây một hướng làm giàu hiệu quả.

Tuy nhiên, việc bảo tồn phát triển cây rau sắng hiện nay ở Xuân Sơn chưa được quan tâm chú ý, số lượng cây lớn ngày càng suy giảm và việc thu hái quả để nhân giống càng ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, cần phải nâng cao nhận thức và hiểu biết của chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan và cộng đồng trong vùng dự án để bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, góp phần bảo tồn và phát triển cây rau sắng cũng như khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Xuân Sơn.