Khai thác ti tan ở Quảng Nam: Vì lợi nhuận, quên quản lý

Quảng Nam hiện có 10 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ti tan, chủ yếu thuộc địa bàn hai xã Tam Nghĩa, Tam Hải, huyện Núi Thành với mục đích tận thu khoáng sản, làm sạch môi trường. Tuy nhiên, do lợi nhuận kếch xù từ nguồn “vàng đen” này nên cả doanh nghiệp khai thác lẫn chính quyền địa phương đã làm ngơ những quy định theo hợp đồng dẫn đến nguồn nước ngầm ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, rừng dương bị tàn phá vô tội vạ…

Hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm

Trong 10 doanh nghiệp được cấp phép, có 2 đơn vị do huyện Núi Thành thỏa thuận nằm trong cụm công nghiệp của huyện quản lý, 3 đơn vị nằm trong đất quốc phòng do Quân khu 5 thỏa thuận và 5 đơn vị trong Khu kinh tế mở Chu Lai.

Các đơn vị này đào, ủi rất thủ công, tạo hố sâu 3 – 5m, lấy cát, đưa vào hệ thống tuyến nối để thu hồi quặng titan, chuyên chở về cảng Kỳ Hà chờ xuất bán cho nước ngoài. Việc hoàn thổ chẳng đơn vị nào quan tâm, nên hậu quả là các khu vực này xuất hiện những hầm hố “chết người”.

Các Công ty TNHH Chiến Thắng, Công ty TNHH Đắc Hữu còn lấn chiếm vào phạm vi an toàn của tuyến đường nhựa Kỳ Hà – Dung Quất (Quảng Ngãi), để lại những hố thẳm bên đoạn đường 2 – 3 km và làm sạt lở móng đường.

Các điểm khai thác quặng titan ở phía Đông sông Trường Giang đã làm sạt lở hàng trăm mét bờ biển xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên; những vạt rừng phòng hộ ven biển cũng bị chặt trụi; cả một khu đồi gần 3ha ở xã Tam Nghĩa tan hoang vì titan.

Trên danh nghĩa doanh nghiệp Đất Việt đứng ra khai thác ở đây, nhưng oái oăm là giấy phép cấp cho Đất Việt khai thác lại ở một vị trí khác. Ông Đặng Văn Tiến, người dân xã Tam Nghĩa, cho biết: Trước đây rừng dương mọc dày, nay người ta chặt hết để đào hố khai thác titan, quá bức xúc, dân đã đứng ra ngăn cản việc khai thác, thế nhưng, chẳng doanh nghiệp nào bị xử lý…

Trên danh nghĩa, việc khai thác titan là để tận thu khoáng sản, tránh lãng phí, đồng thời làm sạch môi trường, nhưng do khai thác tùy tiện, thiếu đồng bộ, khoáng sản chỉ được thu hồi tối đa 70% – 80%, còn lại vẫn nằm trong cát.

Buông lỏng quản lý

Trước tình trạng khai thác titan ven biển xảy ra nhiều vi phạm, Chi cục Khoáng sản miền Trung và Thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường đã cảnh báo, UBND tỉnh Quảng Nam từng khẳng định tăng cường giám sát và phục hồi môi trường sau khai thác, hạn chế xuất bán quặng thô, khuyến khích các đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu trên địa bàn để tăng giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu ngân sách. Nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Huỳnh Khánh Toàn – Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Nam, được biết: nguyên nhân của tình trạng sai phạm tràn lan trên, ngoài yếu tố chủ quan từ phía các doanh nghiệp, còn do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Ở Quảng Nam, trên danh nghĩa, Sở Công nghiệp là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước, đồng thẩm định dự án, tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch trên lĩnh vực công nghiệp khai thác khoáng sản, nhưng lại không được biết về hồ sơ dự án và tình hình cấp giấy phép khai thác khoáng sản ti tan của những đơn vị nói trên mà Sở Tài nguyên – Môi trường đã “làm thay và kiêm nhiệm” luôn công việc đó.

Và có vẻ như các đơn vị và chính quyền địa phương chỉ quan tâm đến việc “tận thu” khoản tiền các doanh nghiệp đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, khoảng 50 – 300 triệu đồng/ha, còn việc kiểm soát quá trình khai thác thì thả nổi.