Tiềm lực nằm ở chính cộng đồng

ThienNhien.Net – Rajasthan là một vùng quê thưa thớt dân cư ở Ấn Độ. Đây cũng là địa danh luôn gắn với sự hạn hán và khan hiếm nước. Tuy nhiên, Rajendra Singh và nhóm hoạt động môi trường của anh đã làm thay đổi điều này nhờ khơi dậy sức mạnh tiềm năng của cộng đồng. Singh khẳng định rằng những thành công mà nhóm Tarun Bharath Sangh của anh đã đạt được hoàn toàn có thể áp dụng cho những vùng miền khác, không chỉ ở Ấn Độ mà cả ở những quốc gia khác. Năm 2001, anh được trao giải Ramon Magsaysay – một giải thưởng được ví như giải Nobel của châu Á, nhằm tôn vinh những cống hiến cho xã hội.

Ruparel là một trong số năm dòng sông ở Alwar đã chứng kiến sự hồi sinh. Dòng sông Ruparel đã bắt đầu chảy quanh năm sau ba thập kỉ. Các công trình chứa nước truyền thống johads (một kiểu ao nhân tạo) do dân làng xây dựng đã thay đổi bộ mặt huyện Alwar (thuộc tỉnh Rajasthan) và các vùng lân cận. Vì vậy, cái tên Rajasthan không còn đồng nghĩa với hạn hán và khan hiếm nước nữa.
Điều này có được nhờ sự tận tâm và tầm nhìn xa trông rộng của Rajendra Singh và nhóm Tarun Bharath Sangh của anh. Nhóm đã khuyến khích người dân nơi đây tái sinh nguồn nước của chính họ.
Ấn Độ có một đặc điểm là có được sự cân bằng tương đỗi giữa mật độ dân số và lượng mưa trên toàn lãnh thổ. Mật độ dân số ở Rajasthan rất thấp và lượng mưa cũng vậy. Khi  nghiên cứu bảng theo dõi lượng mưa trong vòng 100 năm, nhóm của Singh nhận thấy lượng mưa được cân bằng một cách không đồng đều ở Rajasthan. Cứ sau 2 mùa mưa liên tục là đến 5 đên 6 năm hạn hán. Chu trình này lặp đi lặp lại. Vì vậy, nhóm đã nghĩ tới việc người dân cần tích trữ nước mưa để dùng dần.
Bên cạnh đó, nhóm của Signh cũng nhận định rằng vấn đề nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng và sự có hạn của nguồn tài nguyên là cực kì cần thiết. Ngay cả khi có sự cân bằng giữa mật độ dân số và lượng mưa cũng không có nghĩa rằng có sự cân bằng trong việc sử dụng nước. Ai cũng muốn có nhiều nước hơn. 
Cuộc vận động của nhóm Tarun Bharath Sangh nhằm bảo tồn nước – đất – rừng, và họ đã làm tăng lòng tin của  người dân ở Rajasthan. Singh nhận xét: “Người dân  rất sáng tạo. Họ có năng lực tiềm tàng để  mang lại đổi thay cho xã hội. Chúng tôi đã đánh thức cả một kho kiến thức ngủ quên và khuyến khích người dân  làm việc.”
Tarun Bharath Sangh đã giúp đỡ  dân làng khôi phục truyền thống của họ. Ở ngôi làng đầu tiên Golpapura, nhóm đã mất ba năm để có được những kết quả đầu tiên. Họ đang nhân rộng và đạt kết quả tốt ở 45 ngôi làng khác nữa. Người dân tham gia rất tích cực và mô hình thành công này được phổ biến cho tất cả những ai quan tâm. Những ngôi làng lân cận cũng đã đến học hỏi và áp dụng.
Singh tâm sự: “Thành công không thể đạt được  bằng lời nói. Cộng đồng cần phải nhận thức được rằng họ phải hành động. Phương pháp luận không đi trước mà sẽ được quyết định dựa trên chính quan niệm của người dân về nước và đất trồng. Chỉ bằng cách sống hòa đồng cùng với họ, chúng ta mới có thể hiểu mối  quan hệ của họ với  những tài nguyên này.”
Được biết, nhóm Tarun Bharath Sangh không hề sử dụng bất cứ một sự giúp đỡ  bên ngoài nào để bảo tồn tài nguyên rừng và nước mà hoàn toàn dựa vào tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.
Để nắm bắt được  những phong tục và thực tiễn đời sống của Alwar, Singh đã trở thành một người dân thân thiện của làng và đã sống với họ. Anh cho biết: “Cộng đồng địa phương rất nhạy cảm và cũng rất nhiệt tình. Họ quan sát từng hành động bạn hướng về  họ. Nếu bạn là người đáng tin cậy, ngay lập tức họ sẽ dành cho bạn sự hỗ trợ đầy đủ nhất và làm việc một cách vô cùng tận tụy.”
Chính một người dân làng đã nói với Singh: “Anh làm việc vì cội nguồn của dòng sông này. Công việc của anh  làm Mẹ Đất no bụng. Ngày mà Mẹ Đất no, nước sẽ chảy đầy sông. Bà rất tốt bụng và không bao giờ giữ nước cho mình. Bất kì cái gì chúng ta dâng cho bà, bà cũng sẽ tặng lại. Điều này sẽ giúp chúng ta ấm no  và duy trì việc đồng áng.”
Một người đã từng hỏi Singh: “Nếu anh đi khỏi, điều gì sẽ xảy ra với những ngôi làng này?”. Anh trả lời: “Những năm tháng sống dưới ách nô lệ và các thế lực tiêu cực khác khiến người dân  của chúng ta giống như bị tật nguyền. Người dân của những ngôi làng này phải đấu tranh chống lại  sự thiếu  tự tin. Trong trường hợp này, nếu một ai đó trở thành một trong số  họ và khích lệ  tinh thần họ, họ sẽ  sẽ thức tỉnh và làm việc với niềm  hi vọng hăng say. Tôi đã làm việc giống như “cái nạng” cho họ. “Cái nạng” này chỉ  cần thiết cho đến họ  lấy lại được sức mạnh và bắt đầu làm việc một cách độc lập. Bây giờ chúng tôi đã có đủ những người trẻ tuổi và  nhiệt tình để duy trì lòng hăng hái ấy.
Nhìn sang  phương Tây, chúng ta thấy những quốc gia đó đã khai thác tất cả tài nguyên thiên nhiên của họ và biến chúng thành những món đồ xa xỉ. Bởi lẽ đó,  tài nguyên thiên nhiên của họ sẽ cạn kiệt. Nước ta sẽ không rơi vào tình huống đó. Đã đến lúc chúng ta sử dụng sự sáng suốt và tài nguyên của mình  một cách hợp lý. Thế kỉ này sẽ là của chúng ta.
Được biết, Singh từng là một bác sĩ. Anh tâm sự: “Nếu tôi tiếp tục là một bác sĩ, tôi có thể cứu chữa cho một vài người bằng thuốc. Nhưng giờ tôi đang chữa cho tâm hồn của con người. Tôi đang cố gắng để mở rộng tâm hồn và trái tim của những người xung quanh tôi. Điều này sẽ giúp xã hội tiến lên với sự tự tin và trách nhiệm.”