Đầu cơ nghiệp

ThienNhien.Net – Từ xa xưa, hình ảnh con trâu cần cù chịu khó đã trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” – câu thành ngữ ấy nay vẫn còn nguyên giá trị ở nhiều vùng quê Việt mặc dù con trâu gắn với cái cày không còn phổ biến như trước. Quá trình đô thị hóa và những biến chuyển của nền kinh tế khiến mục đích nuôi và khai thác sức trâu cũng có khác, trở nên đa dạng hơn. Nhân ngày đầu tiên của năm mới Kỷ Sửu, ThienNhien.Net xin mạn đàm vài lời về con giáp năm nay.

Nhắc đến trâu người ta dễ dàng liên tưởng đến nhà nông. Câu ca êm ái và thân tình: “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” đủ cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa họ đến nhường nào. Lưng trâu cũng là nơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ của biết bao người. Nhiều ước mơ, hoài bão từ thuở nhỏ đã được hình thành và nuôi nấng từ đây. (Ảnh trên: Lý Long, Ảnh dưới: Nguyễn Đức Tùng).
Trên những cánh đồng sâu, có lẽ không sức kéo tự nhiên nào sánh được với sức trâu. Những chú trâu cần mẫn đi từng đường cày, cam chịu dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè đến cái rét cắt da của mùa đông. (Ảnh trên: André FRASSATI, Ảnh dưới: VietNamNet). 
Và có lẽ không có con vật nào mang lại lợi ích nhiều mà lại dễ nuôi như con vật này. Chỉ cần cỏ, rơm. (Ảnh: Trần Hải).
Vài chú trâu nhởn nhơ gặm cỏ hay đang đầm mình trên cánh đồng nắng không còn là hình ảnh xa lạ. Nó làm cho khung cảnh làng quê thêm yên bình và thơ mộng. (Ảnh: A Bảo).
Người nông dân bao đời dựa vào sức trâu và sức mình để tồn tại và phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế, mà không phải ngẫu nhiên, con vật gần gũi ấy đã đi vào đời sống văn hóa dân gian như thơ ca, hội họa … (Minh họa: Tranh Đông Hồ).
Lại nhớ đến những ngày cả nước sôi nổi chuẩn bị cho SEA Games 22, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, hình ảnh con trâu đã được nhắc đến và trở thành biểu tượng cho giải thi đấu lớn nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Anh Tuấn).
Trong thời kỳ mới, con trâu không chỉ gắn bó với đồng ruộng. Đa phần các đàn trâu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được chuyển hóa sang nuôi lấy thịt khi các dự án khu công nghiệp dần chiếm chỗ đất làm nông. (Ảnh: A Bảo)

Trâu cũng thường được sử dụng làm phương tiện vận chuyển, (Ảnh: ThienNhien.Net)
hay phục vụ du lịch. (Ảnh: ThienNhien.Net)
Nhưng cũng có một vài nơi, trâu bị biến thành đồng lõa với lâm tặc, góp phần phá hủy những cánh rừng (Ảnh: Vũ Công Điền)
Và chú nghé con này lớn lên sẽ được dùng vào việc gì đây? Cày cấy, kéo gỗ, chở đá, phục vụ du khách hay bị giết để lấy thịt? (Ảnh: Trần Hải)
Một số người lo lắng cho sự tồn tại bền vững của đàn trâu và đang tìm cách bảo tồn. (Ảnh: Wikimedia)
Trâu là vật tế lễ đối với một số dân tộc, cũng là vật thi đấu trong lễ hội ở nhiều nơi.
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng 9 tháng 8, chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng 9 tháng 8 thì về chọi trâu”.
Lễ hội chọi trâu của người dân thị xã Đồ Sơn được tổ chức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển, với mong muốn cho cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam). 
Trong thành tựu trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới của Việt Nam, một phần có sự đóng góp của đàn trâu. Nghị quyết “Tam nông” được thông qua mới đây được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến cơ bản trong xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững cho quốc gia. Hy vọng rằng nhờ đó, đàn trâu của Việt Nam cũng sẽ có một tương lai rộng mở hơn. (Ảnh: Thành Tiến)


Bước vào năm Kỷ Sửu 2009, vào thời điểm đất nước đang chuyển đổi mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập với thế giới, lại giữa cơn bão khủng hoảng kinh tế này, con trâu càng nhắc nhở chúng ta rằng chớ quên cái nền tảng “chân quê” của xã hội và con người Việt Nam. Cho dù mai đây, con trâu có thể vắng dần trên đồng ruộng nhưng mãi mãi nó sẽ là một thông điệp sâu sắc nhấn mạnh về gốc gác của một dân tộc phát triển, trường tồn nhờ vào sức lực và sự cần cù của con trâu. Và chính cuộc sống gắn bó với con trâu trong lao động đã tạo nên phần nào cái cốt cách của con người Việt Nam. (Ảnh trên: A Bảo, Ảnh dưới: ThienNhien.Net)