Cần nghiên cứu ngay các quy trình, quy phạm dự báo thời tiết

ThienNhien.Net – Tại buổi làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về kiểm điểm công tác dự báo KTTV năm 2008 và bàn kế hoạch 2009 ngày 19/1, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu Trung tâm KTTV Quốc gia, Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, Vụ Khoa học Công nghệ… rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh các quy trình, quy phạm dự báo bão, lũ, thời tiết nguy hiểm kịp phục vụ mùa bão, lũ năm 2009. “Đây là công việc cấp bách, các đơn vị cần tập trung nhân lực, kinh phí làm ngay”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Ngoài nhiệm vụ trên, Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm KTTV Quốc gia, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cần xem xét lại 5 vấn đề trong dự báo KTTV để công tác này có những bước đổi mới mang tính đột phá, tạo bước chuyển mạnh và sớm có hiệu quả. Đó là xem lại tổ chức công việc, sản phẩm đầu ra của công tác dự báo, kỹ thuật trang thiết bị, phối hợp thực hiện giữa các đơn vị và công tác truyền thông.

Cụ thể, cần xem lại việc thực hiện công việc ở các phòng, ban của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, kỹ thuật. Bộ trưởng cho rằng cần thiết có thể điều chuyển cán bộ từ các đài, trạm ở địa phương lên tăng cường nhân lực cho Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương để việc dự báo mùa bão lũ năm 2009 cần có bước chuyển mạnh.

Bản tin dự báo cũng cần có những đổi mới. “Nội dung bản tin cần vừa đảm bảo chính xác vừa đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng. Nên đưa thêm các thông tin về vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và thông báo cập nhật thường xuyên”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng đề nghị chú trọng hơn nữa tới công tác dự báo hậu bão, bởi “thiệt hại do lũ sau bão có khi gấp nhiều lần do bão gây ra”.

Đối với việc thông tin cho báo chí, Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm KTTV Quốc gia cần tổ chức các hội thảo dành cho phóng viên báo chí, nhằm cung cấp công khai các thông tin thời tiết, nói rõ giới hạn của công nghệ dự báo… “Mỗi khi có cơn bão hoặc hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, nên tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thống, tránh việc nhiều nguồn phát ngôn dẫn đến sai lệch, hiểu lầm”.

Về lâu dài, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, cần nghiên cứu tầm nhìn phát triển của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương 40-50 năm nữa để có chiến lược phát triển ngành một cách hệ thống, toàn diện, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương Bùi Minh Tăng thừa nhận những tồn tại trong việc dự báo KTTV năm 2008 vừa qua. Đó là năng lực dự báo còn hạn chế, do chưa có mô hình dự báo, mới sử dụng chủ yếu số liệu quan trắc mặt đất, mô hình số trị và tham khảo thông tin từ các đài khí tượng nước ngoài. Dự báo bão hiện còn thiên về kỹ thuật, về dự báo tâm bão mà chưa chú ý đến dự báo phục vụ và cảnh báo vùng chịu ảnh hưởng. Việc phổ biến thông tin cho báo chí còn chưa thống nhất dẫn tới dư luận có cách hiểu sai về công tác dự báo.

Để tạo bước chuyển mạnh về dự báo trong năm 2009, ông Bùi Minh Tăng cho biết từ tháng 11/2008, Trung tâm đã thực hiện việc thảo luận dự báo hàng ngày với sự tham gia của nhiều dự báo viên và nghiên cứu viên. “Trung tâm sẽ tổ chức đưa dự báo viên ở Trung ương về thực tế nắm tình hình ở địa phương và mời các chuyên gia ở nhiều đơn vị về góp sức giúp cho việc dự báo hiệu quả hơn”, ông Tăng nói.