Máy nghe nhạc cá nhân và thính giác

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, máy nghe nhạc cá nhân rất được ưa chuộng và đặc biệt thịnh hành trong giới trẻ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo về tác động của loại máy này với thính giác của con người nếu không được sử dụng đúng cách. Vậy máy nghe nhạc cá nhân ảnh hưởng đến thính giác như thế nào và làm thế nào để hạn chế những tác động đó?

Với định dạng âm thanh điện tử như MP3, âm nhạc mà máy nghe nhạc cá nhân phát ra có thể đạt đến âm lượng rất cao mà vẫn duy trì được chất lượng âm thanh. Tổng năng lượng âm thanh đập vào màng tai phụ thuộc vào loại nhạc, cách thức ghi âm, định dạng lưu trữ, cũng như đặc tính của từng loại máy nghe nhạc và tai nghe. Nói chung, loại tai nghe cắm trực tiếp vào tai tạo ra âm thanh lớn hơn những loại tai nghe khác ở cùng một mức âm lượng. Âm lượng lớn nhất mà một máy nghe nhạc phát ra có thể đạt đến 120Db(A), tương đương với âm thanh phát ra từ một máy bay đang cất cánh.

Theo các nhà khoa học, sự tiếp xúc với âm thanh quá lớn, kể cả âm nhạc, đều có thể gây nguy hiểm cho thính giác. Khả năng và mức độ tổn thương thính giác phụ thuộc vào âm lượng, thời gian tiếp xúc và độ tuổi của người nghe.

Sử dụng máy nghe nhạc cá nhân thường xuyên cũng có thể gây ra những rủi ro tương tự như tiếp xúc với âm thanh lớn hàng giờ liền ở nơi làm việc, dù là trong thời gian ngắn hơn. Ví dụ, tiếp xúc với tiếng ồn có âm lượng 80 Db trong vòng 8 tiếng liên tục mỗi ngày làm việc tương đương với nghe nhạc từ máy nghe nhạc cá nhân với âm lượng 95 Db trong 15 phút, hay thậm chí 107 Db chỉ trong 1 phút mỗi ngày.

Sử dụng máy nghe nhạc cá nhân đều đặn ở mức âm lượng cao khi còn trẻ thường không tác động ngay đến khả năng nghe, nhưng có thể làm suy giảm thính giác khi về già. Nghiêm trọng hơn, nếu thanh thiếu niên nghe nhạc ở mức âm lượng cao đều đặn trong suốt một vài năm, họ rất có thể phải hứng chịu những tổn thương thính giác khi đang ở giữa tuổi 20.

Nghe nhạc từ máy nghe nhạc cá nhân với âm lượng lớn trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây ra chứng ù tai, hoặc khó nghe hiểu hội thoại trong môi trường nhiều tiếng ồn. Loại máy này cũng khiến cho người sử dụng chúng mất khả năng nghe những âm thanh dưới ngưỡng nhất định nào đó, đồng nghĩa với việc suy giảm khả năng nhận thức những mối nguy hiểm có thể phòng tránh nếu phát hiện ra tiếng động. Với trẻ em, ở mức cài đặt âm lượng quá lớn, máy nghe nhạc cá nhân có thể làm suy giảm khả năng học, đọc và nhớ và tập trung.

Nghe nhạc với âm lượng 80 Db hoặc thấp hơn được coi là an toàn, bất kể thời gian và tần suất sử dụng. Âm lượng này tương đương với âm lượng của tiếng hét hay tiếng ồn của phương tiện giao thông. Âm lượng lớn hơn 80 Db ở máy nghe nhạc có thể gây tổn thương thính giác nếu sử dụng vượt thời gian cho phép trong suốt một vài năm.

Theo một nghiên cứu về thính giác được thực hiện năm 2004, người sử dụng máy nghe nhạc cá nhân nên giới hạn thời gian nghe là 1 giờ mỗi ngày với âm lượng không quá 60% âm lượng lớn nhất khi sử dụng tai nghe chùm và giảm hơn nữa khi sử dụng tai nghe cắm trực tiếp vào tai. Một số nghiên cứu khác đề nghị giới hạn mức âm thanh lớn nhất của máy nghe nhạc cá nhân là 90 dB(A) để hạn chế tổn thương thính giác.

Suy giảm và tổn thương thính giác do tiếng ồn không thể chữa được hoàn toàn, chính vì vậy cách chữa trị tốt nhất vẫn là phòng tránh. Không nên để những giây phút thư giãn bằng âm nhạc biến thành nguy cơ suy giảm thính giác.