Nung gạch từ… rác thải bệnh viện

Không quá 2 giây, trong nhiệt độ trên 1.100 độ C, Công ty Môi trường đô thị đã biến bơm tiêm, chai truyền, bông, băng, gạc… đã qua sử dụng thành xỉ để đóng thành những viên gạch đẹp và an toàn.

“Rác thải y tế làm thành… gạch”

Ông Chử Văn Chừng, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị cho biết: “Rác thải được thu gom từ các bệnh viện về được chúng tôi cho vào lò đốt với nhiệt độ trên 1.000 độ C”.

“Dĩ nhiên, số rác thải đã được phân loại từ bệh viện, chúng tôi chỉ việc thu gom về và đốt thành xỉ, đóng thành những viên gạch như thế này’’, ông Chừng nói.

Số gạch làm từ rác thải y tế được Công ty Môi trường đô thị dùng trong việc làm nền nhà, xây tường bao. Sở dĩ gạch này chỉ dùng trong khuôn viên của Công ty vì số rác sau khi đốt thành xỉ có khối lượng rất nhỏ. Gạch đóng chỉ đủ phục vụ nhu cầu của Công ty. Hơn nữa, gạch dù qua công nghệ xử lý hiện đại rồi bán ra ngoài, người dân cũng có thể không mua vì sợ… rác thải y tế.

Trong khi đó, theo ông Chừng, nhiều sản phẩm gia dụng hàng ngày được tái sinh từ chính rác thải y tế. Chúng được các lò tư nhân đun nấu, tái chế thành ghế, lồng bàn, rổ rá, thìa…, thậm chí cả đồ chơi trẻ em.


Cũng theo ông Chừng: ‘’Hệ thống xử lý rác thải y tế của Công ty Môi trường đô thị rất an toàn. Nhiệt độ và thời gian đảm bảo, hạn chế sinh khí dyoxin. Còn ở các lò xử lý rác thải của tư nhân ở các làng nghề, ai dám đảm bảo rác thải y tế đã được diệt khuẩn? Quá trình xử lý sinh ra nhiều khí dyoxin, tiệt trùng không kỹ, một số loại hóa chất không hủy được sẽ gây nguy hại cho người tiếp xúc’’.


Đồng tình với quan điểm của ông Chừng, Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Phó vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết, đối với công đoạn nấu, ép để tái chế nhựa, chỉ cần nhiệt độ khoảng 160-170 độ C. Ở nhiệt độ này, mầm bệnh chưa thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh tật không chỉ có ở những người trực tiếp sử dụng đồ nhựa tái chế này, mà mầm bệnh còn lây lan ra môi trường xung quanh trong quá trình súc rửa, hoặc phát tán dưới dạng bụi, ảnh hưởng đến công nhân trực tiếp làm việc và người dân sống xung quanh cơ sở tái chế.


Tái chế hay tiêu hủy toàn bộ?


Nhằm quản lý chặt chẽ và có cách xử lý hiệu quả, Vụ Điều trị (Bộ Y tế) vừa chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề xử lý chất thải y tế.

Theo Vụ phó Vụ Điều trị (Bộ Y tế) Phạm Đức Mục, Bộ này đã có quy chế quản lý chất thải y tế hàng chục năm nay. Thực hiện Quy chế này là một trong những tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện. Tuy nhiên, khó khăn nhất của bệnh viện là việc xử lý rác thải rất tốn kém, từ khâu lắp đặt ban đầu đến vận hành. Trong khi đa phần bệnh viện Việt Nam có tuổi thọ trung bình 45 năm. Thời gian đó, việc xây dựng thiếu các hạng mục xử lý chất thải.

Do đó, đa số các bệnh viện xử lý chất thải rất thô sơ, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh, huyện xử lý chất thải… đơn giản bằng cách chôn lấp ngay trong khuôn viên bệnh viện. Một số bệnh viện tỉnh xử lý đốt bằng lò thủ công. Nhưng việc đốt chất thải nhựa cũng có nguy hại với môi trường. Việc chôn lấp sẽ ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt có hại đối với những khu vực mạch nước ngầm nông. Nhiều bệnh viện cũng đã bỏ ra số tiền khổng lồ ký hợp đồng trung chuyển rác thải với Công ty Môi trường đô thị, với giá khoảng 8.000đồng/kg nhưng cũng chưa giải quyết được vấn đề.

Hiện nhiều ý kiến cho rằng, rác thải y tế có nhiều thứ không nhất thiết phải đốt bỏ như dây truyền, chai truyền… Chúng có thể tái sử dụng nếu được tiệt trùng an toàn. Vấn đề hiện nay là ai được phép đưa vào tái chế? Tái chế sản phẩm gì? Tiền bán rác “sạch” dùng để làm gì? Cái gì tái chế, cái gì không? Quy trình thực hiện như thế nào?… Tất cả đang được Bộ Y tế xem xét. Nhưng muốn thực hiện được phải có lộ trình. 

Do đó, trước mắt việc quản lý chặt rác thải y tế vẫn cần được quan tâm.