Hạt chất dẻo nhỏ – mối nguy lớn của đại dương

ThienNhien.Net – Trong một bài viết được công bố trên Tạp chí Khoa học Môi trường và Công nghệ (ES&T), các nhà khoa học cho biết họ đang nghiên cứu vai trò của các hạt chất dẻo trong việc gây ô nhiễm đại dương và tác động của nó đối với các sinh vật biển. Chuỗi thức ăn đại dương vốn đã bị thay đổi do tình trạnh đánh bắt quá mức và các tác động khác của con người, nay lại càng bị đe dọa bởi sự bành trướng của các chất dẻo khó phân hủy trong môi trường biển.

Hội nghị quốc tế đầu tiên về “Chất dẻo kích thước nhỏ” đã được Cơ quan Khí tượng và Hải dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) tổ chức vào tháng 9/2008. Các đại biểu tham dự đều đồng thuận việc xác định chất dẻo nhỏ là các mảnh hoặc mẩu chất dẻo có kích thước nhỏ hơn 5 millimet.

Ông Joel Baker thuộc Đại học Washington Tacoma, nơi diễn ra hội nghị, cho biết nguồn gốc của chất dẻo nhỏ bao gồm cả các hạt chất dẻo siêu nhỏ được sử dụng để sản xuất bao bì các sản phẩm như sữa tắm, các loại mỹ phẩm và các phế phẩm sản phẩm nhựa bị phân hủy khác.

Richard Thompson, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Plymouth của Anh và là đồng tác giả của báo cáo trên tạp chí ES&T cho biết các mảnh vụn chất dẻo lớn hơn thường trôi nổi trên mặt biển, tuy nhiên chất dẻo nhỏ lại có thể chìm tới tận đáy biển: “Điều đó nghĩa là ngày càng nhiều sinh vật có nguy cơ tiếp xúc với chất dẻo nhỏ.” Thompson là một trong những người tiên phong trong việc phát triển phương pháp xác định chính xác mảnh chất dẻo với kích cỡ khoảng 20 micromet.

Thompson cho biết, khi các chất dẻo bị đứt gẫy, các chất phụ gia độc hại mà chúng chứa – gồm chất hãm bắt cháy, chất chống vi trùng, chất làm dẻo – có thể giải phóng vào môi trường biển.

Ông Holly Bamford, giám đốc của Chương trình Rác thải đại dương của NOAA đã ví chất dẻo như những miếng bọt biển tập trung các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy kị nước, như PCB. Người ta đã chứng minh rằng các hạt nhựa nhỏ có thể tập trung các chất PCB nhiều hơn một triệu lần so với môi trường nước xung quanh.

Tại một hội nghị gần đây, ông Hideshige Takada của Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo đã trình bày các dữ liệu thuyết phục về việc chất dẻo nhỏ có thể ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn đại dương. Đây là kết quả thu được từ thí nghiệm với các loài chim hải âu, một loại chim biển thường gặp ở Nhật Bản và Australia.

Nhóm nghiên cứu của ông Takada, những người đã phân tích hạt nhựa có trên các bãi biển khắp thế giới, cho chim hải âu non sống trong môi trường tự nhiên ăn loại cá kèm các hạt nhựa chứa PCB lấy từ vịnh Tokyo. Họ phát hiện ra rằng trong cơ thể những con chim non này tập trung hàm lượng hợp chất PCB cao hơn 3 lần so với những con hải âu ăn cá khác. Nghiên cứu này của Takada đã củng cố thêm cho các dữ liệu công bố trên tạp chí ES&T.

Takada hiện đang khảo sát xem liệu các sinh vật biển tiếp xúc với chất dẻo nhỏ có tích lũy các hợp chất fenola như nonylphenol, octylphenol, và bisphenol hay không. Ông còn cho rằng “việc các sinh vật đại dương hấp thụ các chất dẻo có thể là con đường trực tiếp và quan trọng khiến các nguyên tố fenola tích tụ trong các động vật bậc cao hơn, chẳng hạn như chim biển.”

Mỗi năm thế giới sử dụng hơn 100 nghìn tấn chất dẻo, phần lớn trong số đó là các bao bì sử dụng một lần và bị thải ra không đầy một năm sau khi sản xuất. Các mảnh bao bì này có thể tồn tại trong môi trường hàng trăm đến hàng nghìn năm, là một mối đe dọa lớn cho môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng.