Ngổn ngang hậu tái định cư: Vừa chậm, vừa thiếu (Kỳ 1)

Theo Nghị quyết 57 của HĐND TP.HCM, ngày 30/06/2007 phải hoàn thành việc bố trí tái định cư (TĐC) cho 4.715 hộ tạm cư quá hạn trên địa bàn thành phố. Đã hơn một năm sau thời hạn quy định, đến nay, hạ tầng ở đa số các khu TĐC vẫn không đảm bảo, chưa đồng bộ.

Nhà không đường vào

Sau một năm, quay trở lại khu TĐC dự án 17,3 ha Thủ Thiêm thuộc phường An Phú quận 2, các nền đất tại lô E, F vẫn còn để trống, cỏ mọc um tùm. Nhiều hộ dân vẫn không chịu nhận nền và chưa một ai xây dựng nhà để ở vì hạ tầng chưa hoàn thiện. Ông Phạm Văn P., một hộ dân được bố trí nền tại lô E, bức xúc: “Giờ chưa có ai ở mà mỗi lần mưa xuống nước đã ứ đọng, không thoát được, nói gì đến lúc có đông người ở. Lúc đó, nào là nước thải sinh hoạt, nước mưa, làm sao tiêu thoát kịp chỉ với một ống cống bằng cao su đường kính chừng 30cm này?”.

Chưa kể khi hình thành khu TĐC 17,3ha Thủ Thiêm, vài chục hộ đã bốc thăm nhận nền nhưng chẳng có đường để chở vật liệu vào xây nhà. Trước tình hình đó, TP chủ trương cho làm con đường tạm 8m trước (theo quy hoạch, con đường rộng 40m) và khoảng chục cuộc họp giải quyết những vướng mắc đã được tổ chức nhưng con đường vẫn còn bề bộn.

Có mặt tại đây vào những ngày cuối tháng 6, chỉ thấy một chiếc xe lu lăn đất mà chẳng thấy bóng dáng công nhân làm đường ở đâu. Con đường vẫn chưa được rải đá, tiến độ không có gì thay đổi so với một năm trước đây. “Với tiến độ thi công thế này thì kế hoạch giao nền cho các hộ dân vào đầu tháng 7 tới sẽ rất khó, mà có giao nền cũng không biết người dân chúng tôi lấy đường đâu mà đi lại và vận chuyển vật liệu xây nhà”- một người dân tại khu vực bức xúc nói. Và tại con đường dang dở này, một vài căn nhà đã được cất lên bên đường nhưng phải đóng cửa để đó vì đường chưa xong, chưa có lối vào. Một hộ dân sống tại khu này giải thích: “Họ sợ giá vật liệu xây dựng tăng nên xây dựng trước để đó rồi đi ở chỗ khác!”.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo TĐC, dự án con đường tạm 8m tại khu 17,3 ha Thủ Thiêm đã thu hồi 20/21 nhà dân để lấy mặt bằng thi công. Thay vì phải hoàn thành từ cuối tháng 12/2007 thì nay, dự kiến phải đến hết quý 03/2008 mới xong chỉ vì còn một hộ chưa chịu di dời!

Để đến khu TĐC 4 ha của dự án Cảng sông Phú Định quận 8, phải đi dọc con đường Hồ Học Lãm bụi bay mù mịt, gập ghềnh đá với nào là ổ voi, ổ gà… Con đường khoảng 200m dẫn vào khu TĐC, dù trời nắng vẫn lầy lội, nhìn bên ngoài không thể biết đó là con đường vì nước lênh láng không khác gì một cái ao.

Cố gắng đi vào bên trong nhưng không thể đến nơi vì con đường đất sình và nước lún ngập quá nửa bánh xe! Đây là một trong những dự án mà Ban chỉ đạo TĐC báo cáo đã hoàn thành, chủ đầu tư đã bàn giao 79 nền đất cho người dân vào tuần qua (mặc dù chậm 3 tháng). Sau khi đi khảo sát thực tế tại khu TĐC trên, các đại biểu HĐND đã phải thốt lên rằng: “Với con đường gian khổ đó thì làm sao vận chuyển được vật liệu xây dựng vào trong để xây nhà chứ đừng nói là vào ở. Đó là chưa kể đường nội bộ bên trong khu TĐC lồi lõm, chắp vá từng đoạn, hệ thống điện nước kết nối với bên ngoài vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh…”.

Thiếu đồng bộ

Mục tiêu của các dự án phát triển là nhằm xây dựng, chỉnh trang và nâng cấp đô thị, tạo ra bộ mặt mới hiện đại, văn minh hơn cho đô thị. Hơn thế nữa là làm sao để người dân khi bị thu hồi đất được TĐC ở nơi tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ theo đúng mục tiêu mà các dự án TĐC của TP.HCM đeo đuổi. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn và sinh hoạt của người dân, giúp họ ổn định cuộc sống sau TĐC.

Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều các khu TĐC vẫn chưa đảm bảo đồng bộ theo yêu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng công trình. Khu chung cư Bình Trưng Đông quận 2 từ khi vừa xây xong, chưa bố trí cho người dân vào ở đã xuống cấp; chợ và trường học trong khu này xây không đồng bộ, kịp thời theo quy định.

Khu TĐC thuộc dự án chỉnh trang khu Gò Đệ quận 12 giao nền để người dân xây dựng nhà từ năm 2004 nhưng đến nay con đường nội bộ ở đây vẫn chỉ là những con đường đất đỏ, hạ tầng cơ sở như điện, nước, hầm cống thoát nước vẫn chưa hoàn thiện; các chung cư TĐC như: An Sương quận 12, chung cư Huỳnh Văn Chính quận Tân Bình… không có tuyến xe buýt gần nhà gây bất lợi trong việc đi lại của người dân; khu vực TĐC dự án Nhiêu Lộc- Thị Nghè tại chung cư Hà Kiều quận Gò Vấp xây dựng xong chung cư mới bắt đầu làm hệ thống thoát nước gây phiền toái và bất lợi cho người dân; một số dự án cơ sở hạ tầng bên trong thì rất tốt nhưng không kết nối được với bên ngoài, con đường đi vào khu TĐC vẫn chưa được hoàn thiện v.v…

Tất cả những tồn tại này đã khiến các hộ dân bị giải tỏa không được thỏa mãn về điều kiện sống tại nơi ở mới, mất lòng tin vào dự án, từ đó, cứ nghe đến TĐC là người dân ngán ngẫm!

Bên cạnh những thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, các khu TĐC cũng không xây dựng đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh xá, khu vui chơi, siêu thị, nhà sách, công viên… làm cho người dân phải bỏ nơi ở mới để tìm đến những nơi khác hoặc quay lại những chỗ cũ nhằm tiếp cận, thụ hưởng với các dịch vụ này.

Phó Trưởng ban Kinh tế -Ngân sách HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến công tác TĐC gặp nhiều vướng mắc là việc thực hiện các dự án TĐC chưa đồng bộ.

Trong đó hạ tầng khu TĐC là vướng mắc chung của hầu hết dự án và hiện nay vẫn chưa tìm được lối ra. Một số chủ đầu tư lề mề, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm dẫn đến việc chậm bố trí TĐC cho người dân. Thời gian qua, một số chủ đầu tư đã bị xử lý về vấn đề này nhưng mức phạt cao nhất chỉ có 10 triệu đồng/trường hợp.

Theo ý kiến của nhiều người, mức xử phạt đó là quá thấp. Với mức xử phạt trên, tiến độ của các dự án TĐC khó mà được đẩy nhanh. Theo ông Hùng, để giải quyết các vấn đề hạ tầng khu TĐC, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng.