ThienNhien.Net – Khói từ những đám cháy rừng ảnh hưởng lâu dài tới bầu khí quyển. Nghiên cứu do Viện Công Nghệ Geogria thực hiện công bố trên Tạp chí Nature Geoscience mới đây khẳng định.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng phân tử carbon mà những đám cháy cây cối và chất hữu cơ thải vào không khí gây ra nhiều ảnh hưởng tới bầu khí quyển hơn so với những đánh giá trước đây vì chúng có thể ngăn cản tia nắng mặt trời, có lúc làm lạnh và có lúc lại làm không khí nóng lên.
“Khói từ những đám cháy chất hữu cơ khi thải vào không khí hầu hết sẽ nằm ở tầng khí quyển thấp (đối lưu và bình lưu), một phần sẽ bay lên tầng khí quyển cao hơn (trung lưu và điện li) – tầng khí đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng bức xạ bề mặt trái đất” – Giáo sư Rodney Weber, Khoa học Địa cầu và Sinh quyển, Đại học Công Ngệ Georgia cho hay.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẫu không khí do NASA thu được từ đỉnh tầng đối lưu – khoảng 7 dặm so với bề mặt Trái Đất – vào năm 2012 và 2013 trên khắp nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nồng độ “carbon nâu” trong các mẫu thấp hơn “carbon đen”.
“Carbon đen” xuất hiện khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch hoặc nhiên liệu sinh khối ở nhiệt độ cao, “carbon nâu” được hình thành từ sự cháy không hoàn toàn của cỏ, gỗ, sinh chất, thường thấy trong các trận cháy rừng. Khi biến thành các hạt trong khí quyển, hai loại chất này có thể chi phối bức xạ Mặt Trời bằng cách hấp thụ hoặc phát tán tia nắng.
Càng lên cao, khí quyển càng dễ bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học nhận thấy rằng “carbon nâu” xuất hiện nhiều hơn “carbon đen” ở các tầng khí quyển cao hơn, do đó có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, “Nhiều người vẫn nghĩ rằng đến một lúc nào đó khí “carbon nâu” sẽ tan biến” – Giáo sư Athanasios Nenes, Đại học Georgia nói.
“Carbon nâu” sau khi phát thải vào tầng khí quyển thấp (đối lưu và bình lưu) sẽ hòa lẫn vào mây, lực đối lưu trong mây sẽ đưa chúng lên tầng khí quyển cao hơn. Mặc dù chưa thể giải thích, nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong quá trình di chuyển qua mây, “carbon nâu” trở nên cô đặc hơn so với “carbon đen”. Đây chính là phát hiện đáng ngạc nhiên so với những nghiên cứu trước đó.
Gia Quyên (Theo Science Daily)