Bảo tồn rừng nhằm duy trì sinh kế, giảm nhẹ thảm họa

ThienNhien.Net – Chương trình tọa đàm về rừng diễn ra tại Đại học Yale (Mĩ) hồi đầu tháng 10/2008 đã quy tụ hơn 250 đại diện của các chính phủ, khối doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và môi trường cùng những người bản xứ. Cuộc tọa đàm đã kêu gọi tăng cường việc quản lý rừng bền vững, giảm chặt phá rừng nhằm chống lại sự thay đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo đời sống cho người dân nông thôn.

Vai trò của rừng trước biến đổi khí hậu

Cuộc tọa đàm về rừng đã đi đến thống nhất rằng một trong những phương án khả thi và hiệu quả nhất góp phần kiềm chế sự thay đổi khí hậu là cải thiện các vấn đề tồn tại liên quan đến rừng. Những biện pháp này đòi hỏi chi phí thấp song có thể tạo ra những đóng góp tức thời và trực tiếp tới sự phát triển bền vững và sinh kế của người dân vùng nông thôn.

Phá rừng và sự suy thoái rừng đã tạo thêm khoảng 20% lượng khí nhà kính trên toàn cầu vì những cánh rừng vốn có vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải, hấp thu và lưu trữ khí cacbon, hạn chế những tác hại của thay đổi khí hậu đối với con người và hệ sinh thái.

Chính vì thế, các biện pháp như quản lý rừng bền vững, bảo tồn rừng, trồng mới, tái tạo rừng, dự trữ rừng, sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn nhiên liệu từ gỗ thay thế những nguyên liệu phát thải khí nhà kính nên được xem xét như một phần của định hướng toàn cầu nhằm thích nghi và giảm thiểu mức độ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, những biện pháp dựa vào rừng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cần được thực hiện như một biện pháp bổ sung chứ không phải biện pháp thay thế nhằm giảm khí thải từ việc đốt các nguyên liệu hóa thạch. Việc thực hiện các chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu dựa vào rừng sẽ khó thành công nếu không được thực hiện đồng bộ một cách bền vững. Hơn thế nữa, những kế hoạch đơn lẻ về rừng sẽ là mạo hiểm bởi chúng sẽ làm giảm khả năng thích nghi về xã hội, môi trường và kinh tế ở khu vực nông thôn; đồng thời trực tiếp làm giảm khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Để đạt hiệu quả, chương trình giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu dựa vào rừng phải có một tiến trình bền vững, tạo sự thích nghi cho cộng đồng nông thôn bao gồm những người dân sống phụ thuộc vào rừng, lực lượng lao động gắn với rừng, các tổ chức xã hội và tư nhân.

Thực hiện những biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích nghi tạo ra cả cơ hội lẫn rủi ro cho người dân bản xứ. Chính vì thế, bản tuyên bố của Liên hiệp quốc về quyền của người bản xứ nêu ra những nguyên tắc cụ thể và nên được áp dụng triệt để trong các chiến lược liên quan đến quyền lợi của họ. Việc các quốc gia tuân thủ các điều luật quốc tế về nhân quyền, môi trường và thương mại được xem là yêu cầu cơ bản. 

5 nguyên tắc định hướng

Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, các đại biểu cũng đã biểu quyết việc áp dụng 5 nguyên tắc định hướng cho việc tổ chức quản lý rừng nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế cho người dân đến năm 2012.

1. Đảm bảo rằng các biện pháp sử dụng rừng hạn chế sự biến đổi khí hậu hỗ trợ phát triển bền vững ở cả những nước giàu và nghèo tài nguyên rừng.

Những chiến lược xuất phát từ rừng nhằm hạn chế và giúp thích nghi với sự thay đổi khí hậu thực sự phải hỗ trợ sự phát triển bền vững. Nó phải được áp dụng như nhau ở cả nước giàu tài nguyên rừng, nơi mà cơ hội kìm hãm sự biến đổi khí hậu là rất cao nhưng nhu cầu thích nghi lại bị lơ là, và cả những nước ít tài nguyên rừng, nơi tập trung hơn vào việc thích nghi và ít/không có khả năng giảm nhẹ thay đổi khí hậu. Sẽ không có giải pháp “vẹn cả đôi đường”, các nước nên xem xét thận trọng và toàn diện các biện pháp để chọn cách tốt nhất phù hợp với mục đích và nỗ lực phát triển bền vững của mình.

Hiểu theo nghĩa hẹp, những nước đang phát triển, nơi có tỉ lệ chặt phá rừng cao, sẽ ưu tiên những biện pháp cắt giảm lượng khí thải bằng cách hạn chế chặt phá rừng, bởi điều này sẽ thu được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận các quốc gia và cộng đồng đã bảo vệ, quản lý và phát triển rừng hiệu quả, bao gồm cả những nước có số lượng rừng lớn và tỉ lệ chặt phá rừng không cao.

Các biện pháp giảm biến đổi khí hậu và thích nghi dựa vào rừng hiệu quả nhất là gìn giữ và tạo ra những kho chứa cacbon từ việc quản lý rừng bền vững, hạn chế chặt phá rừng, trồng, tái tạo và bảo tồn rừng, cải thiện đất rừng bị phá hủy, đồng thời thay thế những nhiên liệu phát thải khí nhà kính bằng những nguyên liệu từ rừng. Những biện pháp này có khả năng làm tăng sức phục hồi của rừng trước những hậu quả gây ra bởi thay đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích nghi với thay đổi đó.

Trong quá khứ, những biện pháp giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu phần lớn diễn ra nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, và nhiều lúc không đồng nhất dẫn đến kết quả không được như mong đợi. Những biện pháp lấy rừng làm nền tảng dễ áp dụng và có thể bổ sung cho thiếu sót này. Các biện pháp này nên hợp nhất với chiến lược xoá đói giảm nghèo cũng như kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô và nên được hỗ trợ bởi những cơ chế tài chính đơn giản.

Quan trọng hơn cả là những biện pháp này phải hỗ trợ sự phát triển bền vững. Để tăng sự tin tưởng của những nhà đầu tư về tính khả thi của rừng với sự giảm và thích nghi thay đổi khí hậu, những kinh nghiệm thành công trong việc mua bán cacbon tự nguyện nên được tận dụng triệt để.

2. Giải quyết những động cơ phá rừng nằm ngoài phạm vi quản lý rừng

Các yếu tố như sự mở rộng của nông nghiệp và chăn nuôi, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số, đô thị hóa, sự biến động của thị trường, và nhu cầu trên thế giới về những sản phẩm nông nghiệp và năng lượng hóa sinh thường là nguyên nhân khiến rừng bị phá, vì vậy kéo theo sự gia tăng lượng khí cacbon phát thải ra bởi việc phá rừng.

Quá trình gia tăng những nhân tố trên thường dễ dàng hiểu được nhưng vẫn thiếu những giải pháp để hạn chế chúng. Những chính sách, chương trình và sự hỗ trợ của chính phủ ảnh hưởng rõ ràng và trực tiếp đến chất lượng, tính nguyên vẹn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng.

3. Nâng cao vai trò quản lí rừng minh bạch, bao quát và có tinh thần trách nhiệm

Để bảo vệ rừng, cần nhận diện các rào cản đối với việc nâng cao vai trò quản lí rừng, đồng thời cũng phải thiết lập các bước trao quyền cho người dân bản xứ. Những nỗ lực ấy cần được phát huy để khuyến khích sử dụng tài nguyên rừng hợp pháp, hợp lý và bền vững, đồng thời giảm nhẹ mức tiêu dùng, sử dụng rừng ở các cộng đồng.

Nhiều nước đã tiên phong trong việc cải tiến chính sách quản lí rừng. Tuy nhiên, mối liên kết có hệ thống giữa những sự cải thiện đó và sự ra đời của các chương trình đáng tin cậy nhằm giảm nạn chặt phá rừng và các hình thức bảo vệ rừng để đối phó với sự thay đổi khí hậu vẫn cần được đẩy mạnh.

4. Khuyến khích việc xác định quyền sở hữu rừng và luật về khai thác than từ rừng

Quyền lợi kinh tế và quyền sở hữu rừng thường không được xác định rõ ràng, và trên thực tế, quyền của những chủ rừng ít khi được công nhận đầy đủ. Những người bản xứ, chủ rừng, lực lượng lao động phụ thuộc vào rừng, và những cộng đồng địa phương đang rất quan tâm đến quyền lợi của họ trong việc kiểm soát và làm lợi từ khai thác gỗ lấy than, vốn vẫn không được thừa nhận trong nước cũng như trên toàn thế giới. Điều này dần dần sẽ làm giảm đi khả năng quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng của họ, cũng như khả năng gìn giữ nền văn hóa, tri thức truyền thống và lãnh thổ của họ.

Minh bạch hóa quyền lợi khai thác rừng trong khi những quyền sở hữu cơ bản vẫn còn mông lung rõ ràng là một thách thức lớn. Những biện pháp dựa vào rừng để giảm thiểu thay đổi khí hậu được triển khai một cách thiếu tầm nhìn đã đánh giá thấp những kinh nghiệm truyền thống và những kinh nghiệm địa phương trong việc quản lý tài nguyên rừng vốn được tích lũy qua nhiều thế hệ.

Không có gì thái quá khi đề cao tầm quan trọng của việc xác định và đảm bảo quyền sở hữu, quyền lợi kinh tế, và quyền khai thác rừng hợp lý của những người bản xứ, chủ rừng, và cộng đồng địa phương. Thêm vào đó, kế hoạch giảm sự thay đổi khí hậu của quốc gia dựa vào rừng trong tương lai phải bảo đảm khả năng gìn giữ và phát triển những tài sản liên quan đến than khai thác từ rừng của họ, đồng thời đảm bảo cho họ quyền tự do lựa chọn địa điểm, thời gian và cách thức buôn bán số than đó.

Điều cơ bản là các cơ chế phải đảm bảo khả năng tham gia hiệu quả của người dân và cộng đồng địa phương trong việc ra quyết định chung.

5. Hỗ trợ vốn nhằm áp dụng những nguyên tắc trên vào thực tiễn.

Bất kì cơ cấu tài chính nào trong mục tiêu quản lý rừng bền vững nhằm giảm nhẹ thay đổi khí hậu đến sau năm 2012 sau cùng đều được chấp nhận. Điều cốt yếu là chính phủ các nước, các cơ quan, tổ chức và những nhà tài trợ tích cực tham gia đầu tư để có thể dựa vào rừng nhằm giảm thiểu và thích ứng với thay đổi khí hậu. Những nước nhận viện trợ cần phải xác định loại hình viện trợ hợp lí và những nhà trài trợ phải nâng cao phối hợp để bảo đảm sự cân bằng trong trợ giúp.

Chính phủ các nước cần phải tiến hành những chính sách khuyến khích các biện pháp giảm nguy cơ thay đổi khí hậu và tăng cường thích nghi dựa vào rừng. Bên cạnh việc thu hút nguồn tài trợ tức thời, việc tạo nguồn vốn lâu dài và một sự hỗ trợ chắc chắn trong nhiều năm là cần thiết. Nguồn vốn đầu tư hợp lý sẽ hỗ trợ thực thi các quyền liên quan đến rừng và đảm bảo sinh kế của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả của việc giảm thiểu nguy cơ thay đổi khí hậu và tăng khả năng thích nghi.

Đi đến thống nhất sau 10 tháng tranh luận

Mặc dù các cá nhân, cộng đồng, và các dân tộc đã có những đóng góp khác nhau và ngày càng tập trung đến khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển, song việc giải quyết vấn đề một cách toàn diện đòi hỏi một sự chung tay phối hợp trên toàn cầu. Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu cũng cần tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và phải đóng góp vào sự phát triển chung của các dân tộc, cũng như coi trọng vấn đề nhân quyền.

Cuộc toạ đàm về rừng trong mối liên hệ với thay đổi khí hậu đã đi đến thống nhất rằng các kế hoạch ngăn chặn phá rừng nhằm thích nghi và giảm thiểu sự thay đổi khí hậu chỉ có thể đạt được kết quả lâu dài nếu như chúng đáp ứng được các điều kiện về đất đai và quyền lợi của nhân dân địa phương.

Bằng việc cung cấp những phương tiện và hỗ trợ các điều kiện sống thuận lợi, việc quản lý rừng hợp lý sẽ đưa đến một giải pháp hiệu quả mà đôi bên cùng có lợi. Nó bảo đảm chất lượng và sự phì nhiêu của những cánh rừng, cũng như củng cố vững chắc cuộc sống ở nông thôn, tạo ra một số lượng lớn sản phẩm và các dịch vụ sinh thái theo yêu cầu của xã hội. Nó cũng có thể giải quyết sự biến đổi khí hậu toàn cầu theo hướng tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội.

Kết quả của Cuộc toạ đàm về rừng đạt được sự đồng tình của hơn 250 đại diện từ những tầng lớp, tổ chức và quốc gia khác nhau, sau thời gian 10 tháng tranh luận về vai trò của rừng đối với quá trình biến đổi khí hậu và những chính sách thúc đẩy vai trò đó.