Báo cáo cuộc sống đại dương 2010 sẽ là thành tựu khoa học lịch sử

ThienNhien.Net – Hơn 500 đại biểu đã nhóm họp tại Hội nghị Thế giới về Đa dạng sinh học Đại dương diễn ra ở Valencia, Tây Ban Nha trong tháng 11 vừa qua. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã công bố báo cáo chi tiết về những thành quả đạt được trong 8 năm qua, kể từ khi Mạng lưới Nghiên cứu Đại dương Toàn cầu hình thành năm 2000. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học thảo luận, hướng tới việc hoàn thành và công bố bản tổng điều tra cuộc sống đại dương quy mô lớn lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 10 năm 2010.

Đây là báo cáo thứ tư được công bố từ khi hình thành Mạng lưới Nghiên cứu Đại dương Toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết, một trong các công việc của họ là tìm kiếm và thu thập số liệu về các loài sinh vật mới chưa từng được biết đến trong đại dương, và đánh giá tác động của con người lên sự sống của các sinh vật biển. 

Ian Poiner, chủ tịch Ủy ban Khoa học Quốc tế thuộc Chương trình Điều tra Cuộc sống Đại dương Toàn cầu, đồng thời là giám đốc điều hành Viện Khoa học Hải dương Australia, nhận xét: “Việc công bố bản điều tra cuộc sống đại dương đầu tiên năm 2010 sẽ là sự kiện lịch sử của khoa học. Sau 10 năm nghiên cứu và tập hợp thông tin với sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia trên khắp thế giới, bản báo cáo này sẽ là tổng hợp những gì nhân loại biết về đại dương, những gì chưa biết và có thể không bao giờ biết. Đây sẽ là một thành tựu khoa học mang tính lịch sử.”

Trở lại thời điểm khi dự án bắt đầu, nhiều nhà quan sát đã nghi ngờ về sự thành công của nó. Tuy nhiên, với sự cống hiến và hợp tác hiệu quả của các nhà khoa học, dự án được đánh giá là phức tạp và quy mô nhất trong ngành hải dương học vẫn được tiến hành và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Khi thực hiện nhiệm vụ “đánh giá và giải thích tính đa dạng, sự phân bố của các sinh vật biển trong quá khứ, hiện tại và tương lai,” các nhà khoa học điều tra dân số hải dương vùng Nam Cực đã công bố bằng chứng cấp phân tử đầu tiên chứng minh rằng phần lớn các loài bạch tuộc sống ở tầng đáy dại dương đều có tổ tiên chung là loài hiện còn tồn tại ở vùng biển Nam Cực.

Bạch tuộc bắt đầu di cư tới những đại dương mới hơn 30 triệu năm trước, khi Nam Cực trở thành lãnh địa băng giá và những lớp băng lớn bắt đầu hình thành. Dòng hải lưu quanh Nam cực, một dòng biển lạnh hướng về xích đạo với lượng muối và oxy cao, cũng đã xuất hiện. Bị cô lập trong môi trường sống mới, nhiều loài sinh vật biển đã tiến hóa, bạch tuộc là một ví dụ. Chúng mất túi mực bảo vệ vì nó hoàn toàn vô dụng ở độ sâu mà ánh sáng không bao giờ lọt tới. Những phát hiện về tính đa dạng và sự phân bố của quần thể động vật biển sâu trên toàn cầu được công bố trên tạp chí Cladistics.

Nằm trong Chương trình Điều tra Dân số Đại dương Toàn cầu, Hệ thống Thông tin Sinh địa Hải dương đã thu thập được thông tin của hơn 120.000 loài. Thư viện tham khảo cũng đang phát triển nhanh chóng, lưu giữ mã DNA của các loài sinh vật biển. Ngoài ra, số mạng lưới quốc gia và khu vực tiến hành phần lớn công việc của Chương trình Điều tra Dân số Đại dương Toàn cầu tăng từ 10 vào năm 2006 lên 12 hiện nay. Những mạng lưới, dự án trong khuôn khổ của Chương trình Điều tra Dân số Toàn cầu cũng đã thiết lập nên các quy chuẩn cho ngành hải dương học.