Hà Nội: Nguy cơ thiếu "hương vị" Tết

ThienNhien.Net – Những cánh đồng hoa, đào, cam canh và bưởi Diễn đang trong thời kỳ phát triển hứa hẹn một cái tết đủ đầy cho người dân. Thế nhưng sau trận ngập lụt tháng đầu tháng 11/2008 thì tất niềm hy vọng và tài sản của họ đã trôi tuột.

Đào La Cả chết khô trong nước

Dân gian có câu “Nhật Tân tơi tả, La Cả lên ngôi” để ca ngợi sự phát triển của một làng đào mới ở phía Tây Hà Nội – làng đào La Cả, xã Dương Nội, huyện Hoài Đức ( thuộc tỉnh Hà Tây cũ). 

So với “tuổi đời” của một làng nghề, nghề trồng đào ở La Cả vẫn còn mới toe, độ chục năm nay. Giờ đến La Cả vẫn thấy điểm xuyết giữa bạt ngàn đào là những mảnh ruộng lúa, vườn rau bé con con còn sót lại, nghe nói rồi cũng sẽ thành vườn đào hết. 

Mới “nhập cuộc” nhưng đào La Cả đã nhanh chóng “át” đào Nhật Tân và vươn ra khắp cả nước. Chàng thanh niên đứng cạnh tôi cho biết: “Đào bán ở Nhật Tân mấy ngày Tết giờ toàn là đào La Cả đấy. Đào làng em xuất vào Nam cũng nhiều, còn lại một ít thì bán tại vườn hoặc đem ra chợ.”

Ấy vậy mà chỉ sau đợt mưa lê thê của Hà Nội những ngày đầu tháng 10 âm lịch, cánh đồng La Cả cả trăm héc-ta đỏ au một màu nước. Sau hơn một tuần trở lại La Cả, chúng tôi chứng kiến đây đó chân những luống đào vẫn dầm trong vũng nước tù đọng. Ngay cả những khu ruộng cao, nước đã rút hết, những cây đào chưa kịp bước vào thời kỳ tuốt lá đã chết rũ không phương cứu vãn.

Giờ, người ta bảo “Nhật Tân tơi tả, La Cả trôi sông” là vậy. Những gốc đào mới trồng cho đến những cây 5-7 năm giờ cũng chỉ là củi khô, mà nếu như không nhổ kịp khi đất còn ẩm ướt, vài hôm tới chắc chỉ còn cách vác dao ra đốn gốc. Mỗi ha đào có giá trị thấp nhất cũng phải 1 tỉ đồng, tính thiệt hại tổng thể, La Cả đang mất trắng hàng chục tỉ đồng cho cái Tết Kỷ Sửu đang đến và ảnh hưởng đến thu nhập của vài ba năm sau, khi phải trồng lại những gốc đào mới.

 ĐÀo La Cả
Những gốc đào 3-4 năm tuổi giờ chỉ còn là củi khô
(Ảnh: ThienNhien.Net)

Gia đình ông Thanh có 3 sào ruộng, trồng khoảng 100 gốc đào đã 3 – 4 năm. Năm ngoái ông bán tại ruộng gốc nào cao cũng 1,2-1,5 triệu, giờ thì mất trắng. Hiện ông đang phải chuẩn bị ruộng và ủ phân để trồng rau để bán vào dịp Tết, mong kéo lại ít thu nhập cho gia đình.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Thanh, Anh Thành, một người dân cùng thôn cho cũng cho biết. Gia đình anh có 7 sào đất trồng đào nhưng chúng cũng đã bị chết hết trong trận lụt vừa qua. Từ khi anh lớn lên đến nay chưa có khi nào cả làng La lại bị chìm nghỉm trong nước như những ngày vừa qua.

Chỉ tay vào một ruộng đào ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng anh Thành cho biết, những cây đào này hầu hết đã hơn 5 năm tuổi. Tháng trước đã có người trên Nhật Tân xuống đặt tiền trước với giá hơn trăm triệu. Nhưng nếu để đến tết thì người ta chỉ có thể dùng để làm củi vì chúng đã chết cả.

Đào làng La chủ yếu được bán ngay tại chỗ, ít khi nào người dân phải mang những sản phẩm của mình đi bán. Có đến 60% số lượng đào ở đây được cung cấp cho Hà Nội, 40% còn lại được mang vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Cho đến nay thì làng đào La Cả là vùng đào lớn nhất Hà Nội, cung cấp hơn 50% nguồn đào cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo thống kê, tại La Cả hiện có 2.250 hộ dân trồng đào với tổng diện tích lên đến 105 ha. Qua trận mưa lịch sử vừa qua có đến hơn 70 ha đào bị chết. Không những chỉ có đào ở La Cả bị chết do úng ngập mà các vùng trồng đào khác như Nhật Tân (40 ha), Xuân La (29 ha) cũng chịu chung tình cảnh.

Ngoài Hà Nội, các vùng trồng đào lớn ở các tỉnh khác như Gia Lộc (Hải Dương), Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên )… Cũng bị thiệt hại nặng nề trong đợt ngập lụt vừa qua.

Tây Tựu đìu hiu

Năm 2007 người trồng hoa ở Tây Tựu đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thời tiết giá lạnh, nhưng dù sao cũng vẫn có hoa để mà bán, còn năm nay họ hầu như mất trắng.

Trò chuyện với chúng tôi anh Đinh Văn Thành cho biết gia đình anh có 8 sào hoa, tất cả đều trồng hoa thạch thảo. Sau hơn 10 ngày ngập lụt hôm nay cả gia đình anh mới đi thu nhặt những khóm hoa thạch thảo để đốt. Anh cho biết trong đợt ngập lụt gia đình anh thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Để những vườn hoa có thể nuôi sống và làm giàu cho con người, thì trước đó người ta đã phải đổ ra rất nhiều công sức và tiền của. Đầu tư ít nhất là hoa cúc cũng phải từ 5 – 7 triệu đồng/sào, hoa hồng 15 – 20 triệu đồng/sào..Nhưng đầu tư lớn nhất phải kể đến hoa ly, nguyên tiền giống để trồng một sao hoa này cũng lên đến 70 – 100 triệu đồng. Ngoài ra còn công trồng cấy, cắt tỉa, tưới, bón phân..

 
Cánh đồng hoa Tây Tựu duy chỉ một màu nâu ảm đạm (Ảnh: ThienNhien.Net)

Vừa ôm những bó cúc để chất thành đống chuẩn bị đốt anh Long buồn rầu kể “Mọi năm thời tiết giá rét nhưng còn có cái mà thu. Năm nay ngập lụt đến thế này đến hoa giống cũng chẳng có để trồng nói chi đến hoa bán tết”.

Cả cánh đồng hoa của Tây Tựu đến giữa tháng 11 (dương lịch) ở những vùng cao cơ bản đã hết ngập, bà con nông dân đang đi dọn dẹp để chuẩn bị đất trồng. Còn một số vùng thấp nước vẫn ngập đến bắp chân. Cho dù nước đã rút đi nhưng các diện tích bị ngập thì hoa đã chết hết cả, người dân buộc phải trồng lại. Các loại hoa như cúc, thạch thảo, ly, loa kèn.thược dược…ruộng nào ngập là bị chết. Chỉ có hoa hồng do có sức chống chịu khỏe hơn, nhưng diện tích còn sống cũng không nhiều.

Trong những ngày này, giá một bông hoa cúc bán tại ruộng cũng được 1.500 – 2.500 đồng/ bông. Nhưng ở Tây Tựu người dân đang phải thu dọn chúng để bỏ đi, mỗi sao hoa cúc thời điểm này cũng cho thu nhập khoảng 25 – 30 triệu đồng.

Khi được hỏi có loại hoa nào có thể trồng ngay để bán vào dịp tết này không? Những người dân ở đây cho biết nhanh nhất cũng phải 3 đến 4 tháng nữa mới có hoa để bán nếu trồng ngay. Chưa có con số thống kê về thiệt hại đối với người trồng hoa của Tây Tựu nhưng có thể chắc chắn 100% số hộ trồng hoa đều bị thiệt hại. Hộ nào thiệt hại ít cũng 30 – 40 triệu đồng, hộ thiệt hại nặng nề cũng phải vài trăm triệu đồng.  Thậm trí nhiều hộ trồng hoa của Tây Tựu sẽ phải đi mua hoa để trang trí cho ngày tết.

Cam Canh, bưởi Diễn cũng chung số phận

Cùng cung số phận như La Cả, Tây Tựu nhưng cả 2 sản vật của Hà Nội bị thiệt hại ít hơn. Trận ngập vừa qua đã làm cho một diện tích lớn bưởi của Phú Diễn bị ngập trong nhiều ngày. Một số nơi ngập đến 10 ngày nước vẫn chưa rút hết.

Nói chuyện với chúng tôi ông Lê Văn Cương, một người trồng bưởi ở thôn Kiều Mai cho biết. Gia đình ông có 3 sào bưởi, tất cả chúng đều bị ngập trong những ngày vừa qua, những quả nào sát mép nước bị thối và rụng hết. Vườn nhà ông có khoảng 30 – 40% số quả đã bị rụng và trôi đi mất. Nhưng may mắn là những cây bưởi sau ngập này không bị chết, gia đình ông vẫn có bưởi để bán trong dịp tết này.

Anh Nam, nhà gần đó thì bị thiệt hại nặng hơn. Gia đình anh có 200 gốc bưởi Diễn, năm ngoái anh thu được 60 triệu đồng nhưng năm nay thì thất thu hoàn toàn do bưởi đã bị rụng hết, may mà cây vẫn còn sống.

Anh cho biết thêm, ở Phú Diễn gia đình nào cũng bị thiệt hại nhưng bị mất trắng như anh chiếm tỷ lệ khoảng 1/5 số hộ. Các gia đình còn lại chỉ mất khoảng 30% sản lượng. Mất như vậy thôi nhưng nếu ít như vậy thì số tiền thu được có khi lại nhiều hơn do giá cao.

Cam canh là cây rất khó trồng, chỉ cần bón phân tươi hay các loại phân khác quá tay một chút là chết. Đặc biệt loại cây này chịu nước rất kém, chỉ cần úng ngập một hai ngày là chết. Do vậy mà sau mấy ngày ngập lụt các cây cam này đang bị rụng lá và quả. Vào thời điểm này cam chưa ngọt nên không bán được, người dân để quả rụng thối quanh gốc mà không biết làm thế nào.

Vào dịp tết năm 2007 giá mỗi kg cam Canh lên đến 40 nghìn đồng cũng không có mà bán. Tết này cùng với sự lên giá của tất cả các mặt hàng và do cam canh đã bị hỏng do ngập lụt thì giá cả còn có thể cao hơn rất nhiều.

Mặc dù trong tết này các sản phẩm như đào, bưởi, các loại hoa khác được cung cấp bởi các vùng ven đô không được như các năm trước. Nhưng đó cũng là cơ hội để sản vật của các vùng miền khác đến được với người tiêu dùng, đặc biệt 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.