Cuộc tranh cãi sau đề xuất mới của EU

ThienNhien.Net – Gần đây, các quan chức về môi trường của Châu Âu đưa ra đề xuất cấm việc thử nghiệm các loại thuốc lên các loài khỉ hình nhân gồm tinh tinh, gorila, đười ươi và khỉ bonobos nhằm hạn chế phần nào số lượng động vật bị đem ra thử nghiệm. Song, theo một số nhóm bảo vệ động vật hoang dã thì động thái này của liên minh châu Âu chỉ là sự che đậy cho việc quản lý yếu kém của mình bởi trong 6 năm trở lại đây, EU không hề sử dụng các loài khỉ hình nhân trong các thí nghiệm.

Stavros Dimas, uỷ viên môi trường của EU cho rằng cần phải bãi bỏ việc thử nghiệm lên động vật. Nghiên cứu khoa học nên tập trung vào việc tìm kiếm những biện pháp thay thế cho việc sử dụng động vật, và chừng nào chưa có một giải pháp thay thế nào thì phải cải thiện tình trạng của những động vật sử dụng làm thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu thì cho rằng họ đã luôn cố gắng tránh sử dụng các loài khỉ hình nhân trong các thí nghiệm, tuy nhiên, dù nói gì chúng vẫn là vật hiến sinh không thể thiếu cho các nghiên cứu nhằm tìm ra cách điều trị những căn bệnh như HIV, hội chứng mất trí nhớ ở người già, bệnh SARS, ung thư, viêm gan, sốt rét, viêm phổi…Các loài này chỉ được sử dụng phục vụ thí nghiệm nghiên cứu trong trường hợp sự tồn tại của chính chúng đang bị đe doạ hoặc trong trường hợp có một sự bùng phát dịch bệnh bất ngờ đe doạ cuộc sống của loài người.

Các ý kiến phản đối cho rằng nếu như đề án của EU được chấp thuận, những quốc gia thành viên sẽ phải tăng cường các tiêu chuẩn chăm sóc động vật, và nếu như những quy định kiểm soát quá gắt gao hoặc gây tốn kém thì việc sử dụng động vật trong các nghiên cứu sẽ chuyển từ châu Âu sang các nước khác có quy định nới lỏng hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong một nền kinh tế toàn cầu.

Được biết, mỗi năm thế giới có khoảng 12 triệu động vật có xương sống được sử dụng trong các thí nghiệm, 80% số đó là loài gặm nhấm, 10% là các loài linh trưởng. Một nửa số lượng đó dành cho việc thử nghiệm và phát triển các loại thuốc, 1/3 cho các nghiên cứu sinh học, còn lại dành cho những cuộc thử nghiệm mỹ phẩm, chất độc và chuẩn đoán bệnh.