Thăng Long thủy phố

ThienNhien.Net – Sau những cơn mưa Hà Nội lại mang một sức sống mới, nhưng đó là những hình ảnh của quá khứ. Còn giờ đây, sau những mưa lớn toàn thành phố trở thành một hồ nước lớn mà người ta có thể đi thuyền và bắt cá ở đó.

Dự án thoát nước Hà Nội – thoát đi đâu ?

Theo ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBNN thành phố Hà Nội cho biết giai đoạn 1 của dự án cấp thoát nước của thành phố giai đoạn 1 đã hoàn tất nhưng chỉ có năng lực tiêu thoát nước với lượng mưa tối đa 172mm và nếu hoàn thiện nốt giai đoạn 2 của dự án này thì năng lượng tiêu thoát nước cũng chỉ đạt 360 mm. Với lời giải thích này thì với lượng mưa chỉ sau 2 ngày đã đạt 600 mm thì thành phố bị ngập lụt là điều đương nhiên.

Chỉ riêng giai đoạn 1 của dự án cấp thoát nước Hà Nội chúng ta đã phải đầu tư 200 triệu USD (1996 – 2000). Kinh phí dự tính cho giai đoạn 2 của dự án khoảng 119 triệu USD. Như vậy để thực hiện dự án này chúng ta đã phải đầu tư không dưới 5.000 tỷ đồng nhưng kết quả là Hà Nội vẫn chìm trong nước.

Trong trường hợp này nếu chúng ta cứ mang những con số kiểu như công suất thiết kế 360 mm và lượng mưa là 600 mm thì sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Mặc dù đó là một cơn mưa lịch sử, nằm ngoài khả năng dự báo của các nhà khí tượng. Nhưng chúng ta phải biết rằng Hà Nội đã bị ngập ngay từ buổi sáng ngày 31/10/2008 chứ không phải sau khi đã trút hết trận mưa 600 mm Hà Nội mới bị ngập. Địa điểm đầu tiên mà người viết bài này chứng kiến chính là đường đến Trung tâm hội nghị quốc gia. Hơn nữa, cũng với lượng mưa như vậy trong cùng một thời điểm các địa phương khác không bị ngập mà chỉ có ở Hà Nội. Bởi vậy mà lý do ông Nguyễn Thế Thảo đưa ra là không thuyết phục.

5.000 tỷ đồng cho 1 dự án thoát nước đang gấp rút vào giai đoạn cuối nhưng người dân vẫn có thể đánh cá trên đường phố và di chuyển qua các tuyến phố bằng các phương tiện chỉ có ở miền sông nước. Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này Đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng cho rằng Quốc hội phải giám sát vấn đề này. Phải làm rõ bao nhiêu phần trăm trong số 5.000 tỉ đồng vào cống thoát nước thật, bao nhiêu lọt ra ngoài?

Sông chìm phố nổi – đường thành sông

Qui luật “nước chảy chỗ trũng” có thể đúng với tất cả các vùng khác nhưng đối với Hà Nội thì điều này chưa bao giờ đúng. Hà Nội có 3 con sông có thể sử dụng vào việc thoát nước là Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Hồng và hơn 30 hồ lớn nhỏ trong nội thành. Nhưng trên thực tế, mặc dù Hà Nội có bị ngập úng nghiêm trọng trong suốt những ngày qua thì các dòng sông này vẫn đang khát, chưa phát huy hết được vai trò của nó.

Những con đường ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không biết đã được làm đi làm lại bao nhiêu lần. Sau mỗi lần như vậy thì nó lại cao hơn trước và những ngôi nhà, khu dân cư nơi nó đi qua lại thấp xuống. Những con đường này vô hình chung lại trở thành những vật cản cho việc tiêu thoát nước của thành phố. Không những thế khi các con đường được nâng cao thì hệ thống cấp thoát nước cũng được nâng cao một cách đồng bộ. Những ngôi nhà, những con phố vô hình chung trở thành những hồ nước khi mưa xuống.

Đường cao, nhà thấp nhưng những con đường vẫn hóa những dòng sông, nghe có vẻ như nghịch lý nhưng đó lại là hiện thực của những con đường ở Hà Nội.

 
Con đường hóa dòng sông (Ảnh: thiennhien.net)

Ông trách nhiệm ở đâu ?

Những cán bộ của ngành thoát nước này đang không biết phải làm gì, họ biết làm gì khi mà trước mắt họ là một biển nước mênh mông. Điều mà họ đã và đang thực hiện trong một dự án thoát nước có đầu tư lên tới 5.000 tỉ đồng và hiện đang phô bày thành quả ngay trước mắt.

 
Họ chỉ biết đứng nhìn và bất lực (Ảnh: thiennhien.net)

Hơn 10 năm thực hiện dự án thoát nước cho thành phố, giờ đây anh lái xe này mấy có dịp để nghỉ ngơi.

 
 (Ảnh: thiennhien.net)

Các phương tiện giao thông hàng ngày vẫn được sử dụng, trong những ngày này chúng trở thành vô dụng vì chỉ có những phương tiện như thế này mới di chuyển được.

 
Chèo thuyền trên sông Trần Duy Hưng (Ảnh: thiennhien.net)

Kỳ tích chào đón ngày đô thị Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ngày 08/11 hàng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam”. Ngày đô thị Việt Nam lần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2008 tớ. Thủ tướng cũng yêu cầu việc tổ chức ngày này phải đảm bảo tính tiết kiệm và hiệu quả nhằm thu hút sự quan tâm của cá tấng lớp nhân dân, các nhà qui hoạch, kiến trúc, chính quyền đô thị, các chuyên gia và các tổ chức xã hội tham gia xây dựng phát triển đô thị.

Ngày đô thị Việt Nam cũng là ngày chúng ta biểu dương, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân và các đô thị có thành tích xuất sắc trong công tác qui hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Hà Nội theo thông lệ phải là nơi đi đầu trong ngày đô thị Việt Nam cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đô thị. Nhưng với sự kiện Hà Nội chìm trong nước lũ trong những ngày vừa qua chúng ta băn khoăn tự hỏi, trong ngày 08/11/2008 tới đây những tập thể, cá nhân nào sẽ được biểu dương, khen thưởng? Có thể nói việc Hà Nội chìm trong lũ là một thành tích hay đúng hơn là một kỳ tích của Hà Nội để tiến tới một đô thị bền vững.

Nan giải bài toán xử lý nước thải

Hà Nội đang tiến tới kỷ niệm 1000 tuổi, mang trên mình vóc dáng, sứ mệnh thủ đô của một quốc gia với bốn nghgìn năm lịch sử. Nhưng cho đến hiện tại vấn đề xử lý nước thải của thành phố vẫn chưa có cách giải quyết. Hiện tại mỗi ngày toàn thành phố tải ra khoảng 500.000 m3 nước thải nhưng chỉ có khoảng 10% lượng nước thải được xử lý, 90% lượng nước còn lại được xả thẳng vào hệ thống sông, các hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Việc xả nước thải không qua xử lý vào các con sông như Tô Lich, Lừ, Sét khiến cho những con sông này trở thành những hố ga khổng lồ, hôi thối suốt ngày đêm. Những con sông, mặt hồ trong thành phố cần phải được tu tạo, bảo vệ vì đó là luôn được nhắc đến như một điểm nhấn đối với bất cứ một thành phố nào.

Điều đáng báo động hơn là các bệnh viện trong thành phố hiện nay hầu hết đều không có hệ thống nước thải tập trung, tất cả nước thải trong bệnh viện được tập trung về một nơi sau đó xả thẳng vào được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.

Chúng ta đều biết rằng nước thải từ bệnh viện được liệt kê vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại nguy hại. Bởi ngoài các loại vi trùng từ máu, dịch đờm, phân của người bệnh, còn có dung dịch chứa các chất phóng xạ phát sinh trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt, các loại hóa chất điều trị ung thư và các sản phẩm chuyển hóa nếu xả thẳng ra môi trường không qua xử lý sẽ có khả năng gây quái thai, ung thư cho những người tiếp xúc với chúng như công nhân nạo vét cống thoát nước. Hiện tại các bệnh viện trong thành phố thải ra khoảng 6.000 m3 nước thải mỗi ngày.

Theo đánh giá của TP Hà Nội, trong số gần 400 nhà máy xí nghiệp, hơn 15.000 cơ sở sản xuất tư nhân mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 39 cơ sở dịch vụ có trạm xử lý nước thải. Đặc biệt, chỉ có 6/42 bệnh viện lớn đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn lại thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của TP.

Những món quà ý nghĩa để dâng lên Hà Nội một nghìn năm tuổi là cần thiết. Nhưng để Hà Nội chìm trong nước lũ – nước thải là món quà chúng ta không mong muốn. Chúng ta cần phải có những hình thức khen thưởng thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân nào đã góp phần làm nên một Hà Nội lụt như vừa qua. Đặc biệt trong dịp 08/11 tới đây khi Việt Nam chúng ta lần đầu tiên tổ chức ngày đô thị Việt Nam.