Dịch tai xanh bùng phát có tính chu kỳ

ThienNhien.Net – Dịch tai xanh đang trở thành “cơn bão dữ” đối với ngành nông nghiệp. Người dân thì kiệt quệ, cơ quan chức năng thì đau đầu để chống dịch. Hơn 20 năm kể từ khi bệnh tai xanh xuất hiện trên thế giới, chưa có biện pháp “chữa trị” hiệu quả, cơn bão đó vẫn “ngang nhiên” hoành hành ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bệnh tai xanh ở lợn hay còn gọi là Hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Bệnh do vi rút Lelystad gây ra. Vi rút này tồn tại trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu…và được phát tán ra môi trường theo gió. Bệnh tai xanh có đặc trưng là hiện tượng sẩy thai ở lợn nái và bệnh về đường hô hấp ở lợn con cai sữa. Lợn khi mắc bệnh này tai thường chuyển sang màu xanh. Và lợn chết thường là do nhiễm trùng kế phát các tác nhân bệnh khác như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, liên cầu khuẩn, suyễn heo, v.v…

Năm 1997, Việt Nam phát hiện bệnh tai xanh trên đàn lợn được nhập về từ Mỹ. Đến năm 2007, thì dịch tai xanh chính thức xuất hiện tại 19 tỉnh trên cả nước khiến số lợn chết và tiêu huỷ hơn 20.000 con.

Năm 2008, dịch tai xanh thực sự là “cơn bão dữ” đối với Việt Nam vì mức độ lây lan nhanh và thiệt hại lớn. Số lợn bị bệnh hơn 260.000 con, số lợn bị tiêu huỷ trên 255.000 con. Tổng thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục thú y thuộc bộ NN&PTNN, dịch tai xanh bùng phát có tính chu kỳ, khoảng 3 năm/lần. Đợt dịch năm nay hoàn toàn giống với thời điểm năm 2007. Thời tiết diễn biến bất thường trong thời gian qua cũng là tác nhân “ủng hộ” cho mầm bệnh phát triển và lây lan cao hơn.

Theo báo cáo của Cục thú y hôm 04/05, cả nước hiện có các ổ dịch tai xanh tại 154 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện thuộc 11 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh gần 50.000 con, trong đó tiêu huỷ hơn 21.000 con.

Phòng bệnh cho lợn là cách tốt nhất mà các chuyên gia khuyến cáo bà con nông dân nên làm trong điều kiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Ba loại vắc-xin có thể dùng để phòng bệnh là Porcilis PRRS, BSL.PS 100 và Amervac PRRS. Khi phát hiện lợn nhiễm dịch, bà con nông dân phải tiêu huỷ lợn theo đúng kỹ thuật. Hố chôn lợn phải ở xa khu dân cư, xa nguồn nước, bãi chăn thả gia súc và đường giao thông. Đồng thời, bà con cần phải vệ sinh tiêu độc chuồng trại nơi có dịch và khu vực xung quanh.

Lợn mắc bệnh tai xanh có biểu hiện tai cụp, tím tái bỏ ăn, sổ mũi trào bọt mép. Nhưng rất khó phát hiện thịt lợn mắc bệnh, các chuyên gia thú y khuyến cáo người dân khi mua thịt lợn nên chọn miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm nóng, hơi dính. Còn nếu thịt lợn cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Nếu nghi ngờ thịt lợn nhiễm bệnh, người dân nên cẩn trọng. Vì khi lợn mắc tai xanh rất dễ nhiễm bệnh liên khuẩn cầu – loại bệnh có thể lây trực tiếp từ lợn sang người gây tỷ lệ tử vong cao. Trong thời gian dịch bệnh, người dân không nên ăn tiết canh – kể cả tiết canh ngan, dê, bò…do liên khuẩn cầu có thể lây sang các con vật này, các món tái, nem chua…