Chạy đua với mục tiêu Net Zero

Ngay sau khi Chính phủ cam kết mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng “0”) vào năm 2050, các bộ, ngành đã cùng vào cuộc, chuẩn bị lộ trình cho mục tiêu này. Trong đó, Bộ Công Thương là một trong những bộ xây dựng và thực hiện lộ trình này sớm nhất.

Lập tức xây dựng Kế hoạch hành động

Trong danh mục cơ sở phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính, có 1.662 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, 70 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, 104 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng và 76 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, nhiệm vụ của Bộ Công Thương cực lớn khi phải “quản” phần lớn các cơ sở sản xuất.

Do đó, khi Chính phủ cam kết Net Zero vào năm 2050, Bộ Công Thương đã ngay lập tức xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nhằm triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Theo đó, Bộ này tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan; Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng; Và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.

Trong đó, mục tiêu tổng thể của kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành Công Thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…

Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và xây dựng đề án thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo; giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời xây dựng đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển ô tô điện tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc Quy hoạch Điện VIII liên tục phải họp bàn và thay đổi cơ cấu nguồn cũng nhằm hướng đến mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, ngành Điện đã tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000MW.

Hiện, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII phù hợp với các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch Điện VIII sẽ tập trung vào các nguồn sản xuất điện thân thiện với môi trường, cụ thể là các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và các nguồn điện sinh khối… Tuy nhiên, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phải được tiến hành song song với việc sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là cách thức chuyển dịch năng lượng bền vững và hiệu quả nhất.

Cần nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu

Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, với đề xuất “gặp lãnh đạo Chính phủ để trình bày về đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”.

Theo văn bản đề xuất này, VAMA cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng ở các đô thị lớn mà phương tiện giao thông là tác nhân chính do khí xả mang theo chất độc hại như CO, Pb, NOx… Vì vậy, để từng bước hạn chế tình trạng này, hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các nhà sản xuất ôtô cần có những công cụ chính sách cụ thể để tiến hành đổi mới công nghệ, thiết kế những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất, thúc đẩy sử dụng các loại xe công nghệ xanh, thân thiện với môi trường của Việt Nam đòi hỏi phải có chính sách phù hợp cũng như vai trò của các công cụ kinh tế; Trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường; Đặc biệt ngành công nghiệp ôtô, cần có các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; Chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu…

Ngoài ra, các chương trình hợp tác năng lượng với các đối tác nước ngoài như Đức, Đan Mạch… cũng lần lượt đưa mục tiêu của COP26 vào các chương trình làm việc. Trong đó phải kể đến, chương trình hợp tác với Đan Mạch. Mục tiêu quan trọng của chương trình này là phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp. Trước mắt, chương trình đã có những động thái đầu tiên về thực hiện giảm tiêu hao năng lượng trong ngành sản xuất nhựa, tiếp theo đó sẽ lần lượt đến các ngành công nghiệp khác… tất cả hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.