Nhà khoa học với nhiều công trình về địa lý, tài nguyên nước

Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học (PGS, TSKH) Nguyễn Văn Cư, Viện trưởng địa lý (Viện KH và CN Việt Nam) đưa cho tôi cuốn sách chuyên khảo “Bãi bồi ven biển, cửa sông Bắc Bộ, Việt Nam”, mà ông là tác giả, vừa được xuất bản cách đây vài tháng.

Vừa nhâm nhi ly trà ông rót, tôi vừa lướt qua tập sách dày gần 250 trang với khá nhiều bản đồ, bảng biểu được ông bố cục thành bốn chương: 1 – Ðiều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự thành tạo và phát triển các bãi bồi ven biển của sông Bắc Bộ. 2 – Quá trình thành tạo và phát triển các bãi bồi ven biển, cửa sông Bắc Bộ. 3 –  Tiềm năng các loại hình tài nguyên thiên nhiên bãi bồi ven biển, cửa sông. 4 – Các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý bãi bồi ven biển cửa sông Bắc Bộ.  
Ðây là tập sách nằm trong bộ sách chuyên khảo được xuất bản hằng năm của Viện KH và CN Việt Nam. Các bãi bồi ven biển cửa sông Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) được hình thành và phát triển không ngừng tạo ra các khu vực bồi tụ, xói lở xen kẽ, bao gồm 15 huyện thuộc năm tỉnh, thành phố có đường bờ biển dài gần 590 km. Ðó là vùng đất có vị trí địa lý đặc biệt, phong phú và đa dạng về tài nguyên, nhưng phần lớn diện tích bao năm để hoang hóa.
 
Những năm gần đây, thiên tai xảy ra ở vùng ven biển cửa sông ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ; bão lụt gây xói lở đê kè và các công trình kinh tế dân sinh. Mặt khác việc khai thác tài nguyên thụ động, thiếu quy hoạch đã và đang gây ra hàng nghìn ha đất bãi bồi hoang phế, xói lở; làm cho nguồn lợi thủy hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt.
 
Phần kết cuốn sách, tác giả cho rằng: lượng bùn cát tham gia vào quá trình thành tạo và phát triển cồn, bãi vùng cửa sông ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình tạo nên vùng đất mới, giàu dinh dưỡng, phong phú tài nguyên, nhưng luôn biến động bởi ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và con người; có thể coi đây là điều kiện mở rộng quỹ đất sản xuất, cho nên cần xây dựng được quy hoạch tổng thể và chi tiết trong việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên vùng đất này.
 
Cuốn sách chuyên khảo của PGS, TS Nguyễn Văn Cư là tập hợp những kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, công trình do Viện địa lý thực hiện mà tác giả làm chủ nhiệm nhằm góp phần giải quyết vấn đề “điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường và sử dụng hợp lý đất hoang hóa các bãi bồi ven biển, cửa sông Việt Nam” theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
Hơn 10 năm qua, với nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề khoa học – công nghệ thuộc các lĩnh vực về điều kiện tự nhiên tài nguyên và các vấn đề kinh tế – xã hội liên quan; đánh giá và dự báo các biến động môi trường  địa lý do tác động của quá trình tự nhiên và con người nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các vùng lãnh thổ của cả nước, Viện địa lý, trong đó có đóng góp to lớn của PGS, TSKH Nguyễn Văn Cư đã triển khai, thực hiện thành công hơn 20 đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước và cấp Bộ.
 
Hướng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào công tác điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, sự biến động của các dạng tài nguyên thuộc các vùng miền trong cả nước, vấn đề phân bố dân cư, công tác tái định cư cho người dân bị ngập nước nơi xây dựng các công trình thủy điện; vị trí an ninh quốc phòng và đời sống dân sinh vùng biển đảo, môi trường nước ở các lưu vực sông, chiến lược môi trường vùng ven biển…
 
Riêng PGS, TSKH Nguyễn Văn Cư, khoảng 10 năm qua trong vai trò là chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia đã thực hiện hàng chục đề tài, chương trình cấp nhà nước xoay quanh các  vấn đề: động lực bờ biển và cửa sông, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, thảm họa các vùng miền, đã được nghiệm thu xếp loại xuất sắc. Ấy là chưa kể một số đề tài, chương trình cấp Bộ và các hợp đồng nghiên cứu cho các địa phương được đánh giá cao như: điều tra cơ bản hiện trạng môi trường, đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng Trung Trung Bộ, điều tra nghiên cứu lập dự án tổng thể khai thác tối ưu nguồn nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Ðồng Nai – Sài Gòn.
 
Cần mẫn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, luôn luôn gắn khoa học với thực tiễn đời sống xã hội, nỗ lực miệt mài trong những chuyến đi thực địa hằng tháng trời ra Trường Sa hay lặn lội lên vùng cao Tây Bắc, nơi ven biển cửa sông đã giúp  PGS, TSKH Nguyễn Văn Cư đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị về địa lý và tài nguyên nước, được tặng Huy chương vàng triển lãm thành tựu kinh tế – kỹ thuật toàn quốc lần thứ 2 (năm 1996), Giải thưởng khoa học Nguyễn Bỉnh Khiêm (hạng A) 2006, và là đồng tác giả công trình khoa học “Atlas quốc gia”, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, công nghệ năm 2005. PGS, TSKH Nguyễn Văn Cư cũng là người có đóng góp trong công tác đào tạo cán bộ.
 
Hằng năm, ngoài tham gia giảng dạy ở Trường đại học Mỏ – Ðịa chất, Ðại học Thủy lợi Hà Nội, Ðại học Sư phạm I Hà Nội, ông còn nhận hướng dẫn từ ba đến năm nghiên cứu sinh; tính từ năm 1990 đến nay, ông đã đào tạo cho đất nước 13 tiến sĩ chuyên ngành địa lý thuộc các cơ sở khoa học, giáo dục.
 
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về kế  hoạch dự định hoạt động từ nay đến năm 2010, PGS, TSKH Nguyễn Văn Cư (người bảo vệ tiến sĩ chuyên ngành năm 27 tuổi và tiến sĩ khoa học năm 37 tuổi tại Liên Xô (trước đây), và được công nhận PGS năm 1992), với bản tính bộc trực, cho biết: sẽ dồn tâm sức động viên tập thể cán bộ, nhân viên trong Viện vượt qua các trở ngại khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện khoảng 30 đề tài các cấp (trong đó có hơn mười đề tài khoa học – công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ), tập trung vào các lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và môi trường, điều tra dự báo nguy cơ và các giải pháp phòng, chống thiên tai, công tác quy hoạch, tổ chức lãnh thổ các vùng, miền, vấn đề quản lý nguồn nước theo lưu vực sông… nhằm góp phần phục vụ thiết thực cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.