Quản Bạ ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế xã hội

ThienNhien.Net – Trong những năm qua, huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang có chỉ số tăng trưởng kinh tế – xã hội rõ nét. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá ở huyện nghèo Quản Bạ.
Ghi nhận từ một dự án

Quản Bạ có rất nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thế mạnh về làng nghề thủ công truyền thống. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của một số vùng phù hợp với canh tác nông nghiệp cao sản. Đây là điều kiện thuận lợi để đầu tư, nghiên cứu xây dựng những mô hình điểm để nhân rộng.
 
Chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) sản xuất rượu ngô Thanh Vân khi mẻ trưng cất rượu ngô đầu tiên vừa hoàn tất công đoạn cuối. Chủ nhiệm HTX, Vàng Sào Mua cho biết thực hiện dự án khoa học của tỉnh về sản xuất rượu ngô Thanh Vân, HTX vừa đưa vào sử dụng dây chuyền trưng cất rượu. Với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, sản phẩm rượu ngô Thanh Vân, đã có chỗ đứng trên thị trường và vươn xa tới các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ… Dây chuyền này đã nâng giá trị thành phẩm rượu ngô lên rất nhiều. Mô hình mới đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 47 hộ dân.

Dự án đã mang lại hiệu quả kép, vừa bảo tồn và phát triển nghề nấu rượu ngô truyền thống, đem lại giá trị kinh tế cao, mở hướng làm ăn mới cho bà con theo hướng sản xuất tập trung, đồng thời giúp nâng cao trình độ năng lực quản lý cho ban quản trị HTX. Đây chính là những hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền vận động xã viên tiếp cận công nghệ mới, sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường.

Dự án tuy không lớn nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nghề nấu rượu thì hầu như ở vùng nào cũng có nhưng để trở thành làng nghề thì đòi hỏi phải có chính sách hoạch định phát triển rõ ràng, tính khả thi của dự án.

Có thể bước đầu đánh giá dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào nấu và trưng cất rượu ngô Thanh Vân là một hướng đi phù hợp. Ngoài những hiệu quả về kinh tế, nó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng yếu tố văn hoá đặc trưng của vùng. Đến Quản Bạ, người ta sẽ không thể không đến thử và mang chút rượu ngô Thanh Vân về làm quà.

Ứng dụng tiến bộ khoa học để phát triển kinh tế

Bên cạnh việc xác định thế mạnh để đưa vào quy hoạch các vùng sản xuất, trong những năm qua, Quản Bạ đã chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến.  Đến thời điểm hiện nay, huyện Quản Bạ đã đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất cao vào gieo trồng như Nhị ưu 838, nhị ưu 735, ngô CP 989, CP 999, LVN 10, Q2… có năng suất và sản lượng cao đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Việc áp dụng các đề tài, dự án khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông sản, chăn nuôi đã được huyện triển khai trên diện rộng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế. Như một số vùng sản xuất; mô hình hồng không hạt, rau hoa chất lượng cao xã Quyết Tiến; dự án sản xuất, quảng bá thương hiệu rượu ngô Thanh Vân; dự án trồng thảo quả ở các xã Tùng Vải, Tà Ván, Cao Má Pờ, chế biến thảo quả khô, thảo quả muối, miến dong tại công ty 567 Thị trấn Tam Sơn; mô hình trồng su su, lê Đài Loan, trồng cỏ nuôi trâu, bò hàng hoá; mô hình nâng cao sản lượng chất lượng ngô; dự án bình tuyển đàn trâu, bò giống tốt, phục vụ chương trình nuôi trâu, bò hàng hoá… Đây là những mô hình đã góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng giá trị kinh tế.

Việc nâng cao trình độ canh tác sản xuất cho nông dân là một trong điều kiện quan trọng, để phát triển sản xuất. Hàng năm, thông qua các chương trình, dự án, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã trực tiếp tập huấn, hướng dẫn, hội thảo đầu bờ để chuyển giao kỹ thuật tới nông dân. Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp tại ruộng, nương đã giúp bà con nắm vững kiến thức, kỹ thuật canh tác, ứng dụng hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chú trọng khơi dậy nguồn lực tại chỗ và đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, huyện Quản Bạ khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức, các thành phần kinh tế, tuỳ theo ngành nghề của mình có khả năng nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên doanh, liên kết với các trung tâm khoa học để kêu gọi đầu tư. Huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ kinh phí, xây dựng mô hình để thử nghiệm. Đây chính là một trong những định hướng quan trọng trong việc phát triển khoa học và công nghệ tại địa phương. 

Ông Lệnh Thế Hội, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Khoa học huyện cho biết: Xác định phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Huyện Quản Bạ đã chú trọng việc nghiên cứu, áp dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ vào sản xuất theo nhu cầu và lợi thế của từng vùng để triển khai thực hiện. Phương pháp là xây dựng mô hình có chọn lọc, khả thi và hiệu quả cao để nhân rộng chứ không triển khai ồ ạt, đại trà.

Đến thời điểm hiện nay, có thể nói một số chương trình dự án đã thành công và rất hiệu quả như: dự án sản xuất rượu ngô Thanh Vân; dự án trồng, chế biến thảo quả khô, thảo quả muối; dự án hồng không hạt, rau hoa xã Quyết Tiến; mô hình sản xuất vải lanh thổ cẩm Lùng Tám… và nhiều chương trình dự án khác đang được triển khai. Có thể thấy việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố quyết định trong phát triển kinh tế – xã hội.

Khoa học và công nghệ là nền tảng quyết định sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế – xã hội. Quản Bạ tuy còn nhiều khó khăn, trở ngại về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, trình độ dân trí nhưng một khi xác định được rằng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ cần được ưu tiên, chắc chắn sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn sẽ sớm thu hái được kết quả.